Thủ tướng Nhật Bản công du châu Âu: Củng cố vị thế quốc gia

07:04, 28/04/2019
.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kết thúc chuyến công du châu Âu kéo dài 4 ngày. Thành công nổi bật của chuyến thăm là một bản tuyên bố chung giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), cùng các cam kết thúc đẩy hợp tác với lãnh đạo các nước Pháp, Italia và nhóm Visegrad (Slovakia, Czech, Ba Lan, Hungary).
 

Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: TASS)
Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: TASS)


Chuyến công du của nhà lãnh đạo xứ sở Hoa anh đào, với tư cách Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế để có thể tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh của nhóm này, dự kiến sẽ diễn ra tháng 6-2019.

Hồi đầu năm nay, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng S.Abe từng tuyên bố sẽ tận dụng cương vị Chủ tịch G20 để thúc đẩy những nỗ lực chung trong việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy gây nhiều bất ổn, còn chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đe dọa làm sụt giảm đà tăng trưởng toàn cầu.

Bên cạnh mục tiêu trên, chuyến công du còn nhằm tìm kiếm tiếng nói chung giữa Nhật Bản và EU, giúp đối phó với Mỹ trên mặt trận thương mại, bởi Nhật Bản cũng đang đối mặt với những rủi ro khi vướng vào "cuộc chiến thuế" với Mỹ. Bởi năm ngoái, Washington quyết định áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép từ Nhật Bản, EU và một số nước; đồng thời đe dọa tăng thuế nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế EU - Nhật Bản (EPA) chính thức có hiệu lực từ tháng 2 vừa qua có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế lớn thứ hai châu Á khi tạo ra một khu vực thương mại tự do khổng lồ với tổng dân số khoảng 640 triệu người và chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.

Hơn nữa, Thủ tướng S.Abe không muốn Nhật Bản chậm chân hơn Trung Quốc trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế thương mại tại châu Âu. Đây cũng là lý do chuyến công du diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tới thăm một số nước ở Lục địa già.

Tại các chặng dừng chân ở Italia hay các nước Đông Âu, Thủ tướng S.Abe đã đề xuất xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và mở”. Đây là bàn đạp giúp Tokyo mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu thông qua kinh tế - thương mại, nhằm cạnh tranh với những bước tiến ngày càng nhanh của Trung Quốc vào EU.

Trong từng chặng dừng chân, Thủ tướng S.Abe đều có những mục tiêu cụ thể. Ví dụ, ở điểm dừng chân đầu tiên tại Pháp, Thủ tướng S.Abe đề nghị Tổng thống Emmanuel Macron phối hợp các chủ đề sẽ được thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản và G7 ở Pháp. Một trong những lý do dẫn tới đề xuất trên chính là bất đồng của hai nước này với Mỹ trong các vấn đề liên quan đến thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và biến đổi khí hậu.

Việc hai nhà lãnh đạo nhất trí thắt chặt hợp tác song phương đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng hai nước sẽ hợp tác và cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Có được sự ủng hộ của Pháp, Hội nghị thượng đỉnh EU - Nhật Bản tại Brussel (Bỉ) cũng đã kết thúc đúng theo mong muốn của Thủ tướng S.Abe.

Những thỏa thuận vừa đạt được trong chuyến công du châu Âu là nền tảng quan trọng, cho phép người đứng đầu chính phủ Nhật Bản có được tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ và Canada trong các diễn đàn sắp tới.

Chuyến công du còn giúp Nhật Bản thể hiện được vai trò của một cường quốc có đủ khả năng tập hợp, kết nối những tiếng nói chung để cùng giải quyết các thách thức. Điều quan trọng hơn, chuyến đi này là cách để Nhật Bản củng cố uy tín quốc tế khi đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 và giúp Thủ tướng S.Abe "ghi điểm" trước cuộc bầu cử Thượng viện giữa kỳ vào tháng 6-2019.

Theo Hoàng Linh/Hanoimoi.com.vn


 


.