Nước Anh trước "nút thắt" mới

02:11, 04/11/2018
.

Vào thời điểm chỉ còn 5 tháng nữa sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nước Anh đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ việc phải gia hạn và ký lại các thỏa thuận với hàng loạt quốc gia trên thế giới. 
 
Dù đã rất nỗ lực, song đến nay, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May mới dàn xếp được một phần nhỏ trong số hàng trăm thỏa thuận. Điều này làm nảy sinh mối lo mới về nguy cơ gián đoạn hợp tác sau khi cuộc chia tay "ngôi nhà chung" chính thức diễn ra.

 

Nhiều người Anh đã yêu cầu trưng cầu dân ý lại về vấn đề nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.
Nhiều người Anh đã yêu cầu trưng cầu dân ý lại về vấn đề nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.
 
Theo thống kê, EU hiện có tổng số 236 thỏa thuận với 168 nước trên thế giới. Nhiều năm qua, Anh với tư cách là một thành viên EU, đã được hưởng quyền lợi từ những văn kiện hợp tác này. Trong số hàng trăm thỏa thuận, có nhiều thỏa thuận quan trọng vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại như quyền cất cánh và hạ cánh của các hãng hàng không, các cam kết hợp tác trong lĩnh vực tài chính, thủy sản và hạt nhân...
 
Nhiều nhà phân tích cho rằng, những khó khăn mà nước Anh gặp phải trong việc tiếp nối 236 thỏa thuận nói trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là việc các nước khác cũng coi đây là cơ hội để thiết lập lại nhiều điều khoản nhằm mang lại lợi ích cho mình. Quan điểm này hoàn toàn có cơ sở vì khi Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, vị thế của London trên bàn đàm phán sẽ chỉ như một quốc gia đơn lẻ. Bên cạnh đó, sau khi thống nhất được nội dung thỏa thuận mới, các quốc gia khác cần nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục phê chuẩn văn kiện này. 
 
Trong trường hợp đàm phán với EU thuận lợi, Anh sẽ có giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước này rời liên minh vào tháng 3-2019. Đây là khoảng thời gian để xứ sở Sương mù có thể tận dụng để ký lại thỏa thuận quan trọng về thương mại tự do với các đối tác quan trọng như: Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mexico. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Anh đang phải chuẩn bị cho tình huống Brexit “không thỏa thuận”. Điều này sẽ khiến quá trình thương thảo lại thỏa thuận kinh tế với nhiều quốc gia khác bị đình trệ, đặt kinh tế Anh trước nhiều hệ lụy mới. 
 
Hiện tại, rào cản lớn nhất trong tiến trình đàm phán giữa hai bên là vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và nước Cộng hòa Ireland. Sau khi Anh rời EU, đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland sẽ không còn là đường biên giới nội bộ giữa các thành viên EU nữa mà sẽ trở thành biên giới giữa một nước trong và ngoài EU. Phía EU ủng hộ quan điểm của Cộng hòa Ireland khi muốn duy trì tình trạng như hiện nay sau Brexit, tức là không có đường “biên giới cứng” và các quy định của EU về thuế quan vẫn được áp dụng trên lãnh thổ Bắc Ireland. 
 
Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor’s (S&P) đã cảnh báo nếu không có thỏa thuận nào được ký kết giữa London và EU, nền kinh tế Anh sẽ rơi vào suy thoái trong hai năm 2019 và 2020. Dự kiến, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 1,2% trong năm 2019 và 2,5% vào năm 2020. Lạm phát sẽ tăng lên đỉnh điểm ở mức 4,7% vào giữa năm 2019 trong khi tiêu dùng giảm 1,8% vào năm 2019 và 2,7% năm 2020... Lĩnh vực bất động sản sẽ gánh chịu hậu quả rõ nét nhất với dự kiến giá nhà đất sụt giảm trung bình khoảng 10% trong hai năm 2019 và 2020. Tại London, lĩnh vực kinh doanh văn phòng sẽ gặp suy thoái mạnh nhất với mức giảm giá trung bình khoảng 20%. Trong khi đó, các điểm kiểm tra hải quan mới lập ra sẽ gây cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguy cơ dẫn đến các chuỗi cung ứng xuyên biên giới bị gián đoạn và ách tắc phương tiện tại các cửa khẩu. 
 
Trong bối cảnh thời hạn cho các cuộc đàm phán không còn nhiều, các nhà lãnh đạo nước Anh đang phải chạy đua với thời gian để có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng với EU. Những "nút thắt" mới trong kế hoạch Brexit chắc chắn sẽ là “cơn ác mộng” đối với nền kinh tế của quốc đảo này.
 
Quỳnh Dương/Hà Nội mới

.