Rơi thảm khi vừa "xung trận", Mỹ tạm cấm bay dàn siêu chiến đấu cơ F-35

08:10, 12/10/2018
.

Lầu Năm Góc quyết định tạm dừng hoạt động của loạt tiêm kích tối tân F-35 trên phạm vi toàn cầu sau vụ rơi thảm.

Dữ liệu sơ bộ từ một chiến đấu cơ F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ đã bị phá hủy hoàn toàn trong vụ tai nạn ở Nam Carolina, Mỹ hồi tháng trước. Điều này cho thấy có khả năng có vấn đề với ống nhiên liệu, một quan chức Mỹ chia sẻ với AFP hôm 12.10.

Joe DellaVedova - phát ngôn viên của chương trình F-35 cho biết: “Mỹ và các đối tác quốc tế đã tạm thời ngừng hoạt động bay của F-35 trong khi doanh nghiệp kiểm tra tổng thể ống nhiên liệu trong động cơ của tất cả các máy bay F-35".

Tiêm kích F-35. Ảnh: AFP.
Tiêm kích F-35. Ảnh: AFP.


Các ống nhiên liệu nghi ngờ có vấn đề sẽ bị loại bỏ và thay thế. Khi các ống nhiên liệu đảm bảo được lắp đặt xong, các tiêm kích F-35 sẽ được đưa vào vận hành trở lại.  Đợt kiểm tra dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng 24 đến 48 giờ.

Theo số liệu của Lầu Năm Góc, có 320 chiến đấu cơ F-35 đã được bàn giao trên phạm vi toàn cầu, phần lớn là cho Mỹ, ngoài ra còn có Israel và Anh cũng như các nước đối tác khác. Theo AP, vấn đề ống nhiên liệu của tiêm kích F-35 có nguy cơ ảnh hưởng đến hơn 250 máy bay thuộc sở hữu của Mỹ, cũng như gần 100 chiếc thuộc các quốc gia khác, trong đó có Anh. Khoảng một nửa số F-35 được cho là có ống nhiên liệu bị lỗi, trong đó có các máy bay thuộc sở hữu của không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ.

Phía Anh cho hay, các biện pháp của Lầu Năm Góc không ảnh hưởng tới tất cả F-35 thuộc sở hữu. "Các chuyến bay thử F-35 từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang tiếp tục và chương trình vẫn theo đúng tiến độ để cung cấp cho các lực lượng vũ trang của chúng tôi năng lực thay đổi thế trận" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Quân đội Israel cho biết đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung và tiến hành các thử nghiệm với phiên bản F-35 mang tên F-35I.

Trước đó, ngày 28.9, một chiếc F-35 của thủy quân lục chiến Mỹ bị rơi ở Nam Carolina. Nhờ phóng ra kịp thời, phi công sống sót.  Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi quân đội Mỹ lần đầu triển khai F-35 trong chiến đấu để tấn công các mục tiêu Taliban ở Afghanistan.

Ra mắt vào đầu những năm 1990, chương trình F-35 được coi là hệ thống vũ khí đắt giá nhất trong lịch sử Mỹ, với chi phí ước tính khoảng 400 tỷ USD và mục tiêu sản xuất 2.500 máy bay trong những năm tới. Khi chi phí dịch vụ và bảo trì F-35 được tính vào tuổi thọ của máy bay đến năm 2070, tổng chi phí chương trình dự kiến sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD.

Dù có nhiều tính năng ưu việt nhưng chương trình F-35 đã nhiều lần xảy ra chậm trễ, giá thành vượt quá ngân sách cũng như nhiều thất bại, trong đó có vụ cháy năm 2014.  

Theo Hải Anh/LĐO

 


.