Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ lại căng thẳng

02:10, 09/10/2017
.

Các cơ quan ngoại giao Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tạm ngưng dịch vụ thị thực sau vụ một nhân viên làm việc cho lãnh sự quán Mỹ bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước.

Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara trên mạng xã hội Twitter hôm 8-10 cho biết: "Các sự kiện gần đây buộc chính phủ Mỹ phải đánh giá lại cam kết của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với tình trạng an ninh của phái đoàn và nhân viên ngoại giao Mỹ."

"Để giảm số lượng du khách tới đại sứ quán và các lãnh sự quán của chúng tôi trong khi đánh giá này có hiệu lực, chúng tôi lập tức đình chỉ tất cả dịch vụ thị thực không nhập cư (bao gồm thị thực điện tử, thị thực cấp tại biên giới và thị thực cấp trong hộ chiếu) tại tất cả cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ" - tuyên bố nói thêm.

Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington sau đó cũng thực hiện bước đi tương tự, đồng thời ra tuyên bố giống các cơ quan ngoại giao Mỹ tại Ankara.
 

Một chiếc xe cảnh sát đậu gần Đại sứ quán Mỹ tại Ankara. Ảnh: REUTERS
Một chiếc xe cảnh sát đậu gần Đại sứ quán Mỹ tại Ankara. Ảnh: REUTERS


Hôm 8-10, Reuters cho biết nhân viên lãnh sự quán Mỹ bị bắt vì cáo buộc liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen – người bị tố đứng sau âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. Ông Gulen hiện sống lưu vong ở Mỹ.

Hãng tin Anadolu xác nhận nhân viên này – ông Metin Topuz - là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt ngày 4-10 về tội làm gián điệp, vi phạm hiến pháp và tìm cách lật đổ nhà nước. Anadolu cho biết ông Metin đã liên lạc với một số cựu cảnh sát trưởng, 121 người tham gia đảo chính cùng hàng trăm người sử dụng một ứng dụng nhắn tin mã hóa.

Hồi tháng 3, một nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở TP Adana – Thổ Nhĩ Kỳ tên Hamza Ulucay cũng bị bắt về cáo buộc liên quan đến lực lượng bán quân sự người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ còn gây sức ép đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước sau vụ đảo chính tháng 7-2016 khiến hơn 240 người thiệt mạng. Hơn 50.000 người đã bị bắt và 110.000 công chức bị sa thải sau vụ đảo chính này.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng một phần do sự ủng hộ của Washington đối với Lực lượng Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria – vốn bị Ankara xem là thuộc về Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nằm trong danh sách khủng bố.

PKK đã tiến hành một cuộc nổi dậy kéo dài suốt 3 thập kỷ ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Phạm Nghĩa/NLĐO

 


.