Mỹ siết chặt trừng phạt tài chính Nga: Nấc thang căng thẳng mới

08:10, 01/10/2017
.

Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố các biện pháp siết chặt trừng phạt tài chính nhằm vào các ngân hàng và các công ty năng lượng của Nga, theo đó quyết định cắt giảm thời hạn phát hành trái phiếu do các công ty mà các cá nhân và tổ chức ở Mỹ được phép giao dịch ban hành.


Theo các chuyên gia, các biện pháp siết chặt trừng phạt này của Bộ Tài chính Mỹ nhằm gây khó khăn cho các thể chế tài chính và các công ty dầu khí hàng đầu của Nga trong việc huy động vốn dài hạn.


Tăng sức ép


Lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng lớn của Nga như Sberbank, Vnesheconombank, Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Nga và VTB Bank, cũng như các tập đoàn năng lượng khổng lồ như Gazprom, Lukoil và Transneft.


Đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác của Nga nằm trong danh sách trừng phạt, sau ngày 28-11, chỉ có các khoản nợ không quá 14 ngày được phép giao dịch, thay vì 30 ngày như trước đây.


Đối với các công ty dầu khí trong danh sách trừng phạt, kỳ hạn nợ mới bị cắt giảm từ 90 ngày như trước đây xuống còn 60 ngày.

  Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn được xúc tiến tại Đức bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn được xúc tiến tại Đức bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ


Sắc lệnh trừng phạt mới cũng tái khẳng định việc cấm mua bán tài sản cầm cố của các công ty bị trừng phạt. Tuy nhiên, mới đây hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã quyết định nâng mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Nga từ mức triển vọng ổn định lên tích cực.


Theo đánh giá của Fitch, Nga tiếp tục đạt được sự tiến bộ trong việc củng cố chính sách kinh tế của mình, đặc biệt là sự thành công chính sách thả nổi đồng ruble, kiên trì đạt được chỉ số lạm phát mục tiêu và tính hợp lý trong chiến lược ngân sách.


Điều này kết hợp với những yếu tố dẫn đến cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố sự ổn định nền kinh tế Nga trước các cú shock. Fitch dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2017 sẽ tăng trưởng 2%, và trong hai năm tiếp theo tăng trưởng đạt mức trung bình 2,1%/năm.


Phản ứng ngược


Lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ vấp phải sự phản đối từ chính đồng minh EU vì ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến nhiều dự án chung giữa Nga và EU, như dự án đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).


Nhật báo Đức - Die Welt dẫn lời ông Michael Harms - Giám đốc Ủy ban về Quan hệ Kinh tế Đông Âu tại Đức cho rằng các biện pháp của Mỹ nhằm thúc đẩy lợi ích của riêng nước này về lĩnh vực năng lượng: “Các lệnh trừng phạt về dự án đường ống được đưa ra nhằm tăng xuất khẩu năng lượng từ Mỹ sang châu Âu, tạo việc làm tại Mỹ và củng cố chính sách ngoại giao của Mỹ”.


Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng chỉ trích các chính sách trừng phạt không phải là công cụ thích hợp để tăng lợi ích xuất khẩu và củng cố ngành năng lượng quốc gia.


Mỹ và các nước đồng minh ở châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga từ năm 2014 với cáo buộc Mátxcơva liên quan đến tình hình khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine, vấn đề bán đảo Crimea. Hàng loạt ngân hàng và công ty Nga, cũng như nhiều công chức nước này đã bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt trên của Mỹ.


Các hoạt động đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vào Crimea cũng bị đình chỉ. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính Mỹ và EU cũng lại đang chịu thiệt hại vật chất nặng nề từ các biện pháp hạn chế thương mại với Moskva.


Theo báo cáo đặc biệt của LHQ về vấn đề tác động tiêu cực của những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD, trong khi đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.
 

Theo VIỆT ANH.SGGPO

 


.