Bí ẩn 'sự cố thính giác' làm dậy sóng quan hệ Mỹ - Cuba

02:10, 05/10/2017
.

Phía Mỹ nói rằng hơn 20 nhân viên ngoại giao nước này bị "mất thính giác" do bị "tấn công sóng âm". Tuy nhiên, các nhà khoa học được tham vấn tại nhiều nơi trên thế giới đều bác bỏ khả năng một cuộc tấn công như vậy có thể diễn ra, thậm chí các chuyên gia về tâm thần và thính giác của Mỹ cũng chỉ rõ tính "phi lý" của thông tin trên.

 

Đại sứ quán Mỹ ở Cuba - Ảnh: cu.usembassy.
Đại sứ quán Mỹ ở Cuba - Ảnh: cu.usembassy.

 

Việc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/10 quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba sau những cáo buộc không có căn cứ về cái gọi là “các cuộc tấn công sóng âm” nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ tại La Habana có thể coi là một bước lùi mới trong quan hệ giữa hai nước. 

 
Từ “sự cố thính giác”…
 
Tờ Business Insider dẫn lời các chuyên gia cho rằng khó có thể có những thiết bị tấn công sử dụng âm thanh đủ sức gây tổn hại cho sức khỏe. Theo nhà khoa học thần kinh Seth Horowtz, không có bất kỳ thiết bị nào có thể phát ra những âm thanh mà tai thường không nghe thấy, hoặc không bị phát giác, có thể có những khả năng tương tự như cái gọi là “vũ khí sóng âm”. 
 
Ông đồng thời cho biết vũ khí sóng âm có tồn tại, song chúng đều rất dễ bị phát hiện hoặc ngăn chặn và chưa có thiết bị nào có thể được che giấu một cách tinh vi như người ta đồn đoán. Cho đến nay, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng chưa tìm thấy bất kỳ thiết bị khả nghi nào tại nhà riêng hay khách sạn mà các nhà ngoại giao Mỹ đã lưu trú. 
 
Trong khi đó, tờ Miami Herald dẫn lời một số chuyên gia cho rằng một quốc gia đi đầu về công nghệ cao như Mỹ mà chưa thể xác định thiết bị gây ra vụ “tấn công sóng âm” là điều “đáng ngờ”. Nhiều tàu cá lâu nay thường dùng thiết bị sóng âm tầm xa để ngăn chặn cướp biển Somalia ở vịnh Aden. “Thiết bị này tạo ra âm thanh gây đinh tai nhức óc không ai chịu nổi”, một cựu quan chức an ninh Mỹ cho biết. 
 
Cũng có ý kiến nhận định vụ việc là kết quả của một đợt cuồng loạn tập thể (mass hysteria) hay còn gọi là chứng rối loạn phân ly tập thể. Đây là một dạng rối loạn tâm lý lan truyền, phóng đại trong đám đông với các triệu chứng như ngất xỉu hàng loạt, nôn mửa... Tình trạng này thường xảy ra trong môi trường tập thể như cơ quan ngoại giao, phân xưởng, doanh trại…
 
… Đến sóng gió ngoại giao
 
Bất chấp những khẳng định của Cuba rằng nước này chưa và sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ của mình bị lợi dụng để thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các nhà ngoại giao nước ngoài và gia đình họ, trong khi Washington không thể đưa ra bằng chứng xác thực nào để đổ lỗi cho La Habana, song chính quyền Mỹ vẫn đơn phương thực hiện "đòn ngoại giao" đối với Cuba với việc trục xuất 15 nhà ngoại giao của quốc đảo này. 
 
Reuters ngày 4/10 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố việc trục xuất các nhà ngoại giao Cuba nhằm bảo đảm “cân bằng” về nhân sự giữa hai nước. 
 
Trước đó, Washington triệu hồi hơn một nửa số nhân viên tại Đại sứ quán ở Cuba, ra lệnh cho cơ quan này ngừng cấp thị thực cho công dân Cuba cũng như cảnh báo công dân Mỹ không đến nước láng giềng. Hiện công dân Cuba nếu có nhu cầu xin thị thực thì phải đến đại sứ quán Mỹ tại các nước khác trong khu vực để làm thủ tục. 
 
Không phải đến lúc này mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba, vừa mới "tan băng" dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, có chiều hướng xấu đi. Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi đầu năm nay, Washington đã nhanh chóng bãi bỏ một số chính sách hợp tác với Cuba, báo hiệu những sóng gió của mối quan hệ này trong tương lai. Bởi vậy, câu chuyện "sự cố căn bệnh bí hiểm" tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba đang được truyền thông phương Tây loan báo không khỏi khiến người ta liên tưởng tới một "màn kịch" được lên kế hoạch bài bản. 
 
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã khẳng định rằng: “Với những hành động có mục đích chính trị và thiếu hợp lý này, Chính phủ Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại đã và đang diễn ra trong quan hệ song phương”. 
 
An Bình/Chinhphu.vn

.