Cuộc sống hai mặt ít biết của người đồng tính tại Trung Quốc

09:06, 08/06/2017
.

Người đồng tính ở Trung Quốc đang phải sống cuộc sống hai mặt, che giấu con người thật trước sức ép và sự kỳ thị từ dư luận, nhưng vẫn nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
 
Những cuộc đời nhiều vai diễn và sự kỳ thị của xã hội
 
Dongcheng, 37 tuổi, là giáo viên hội họa ở một trường trung học ở Trung Quốc. Trong mắt học sinh, đồng nghiệp và phần lớn họ hàng, anh là người đàn ông có cuộc hôn nhân hạnh phúc với người vợ 34 tuổi làm nghề pha chế.
 

 

Một cặp đồng tính nữ ở Trung Quốc. (Ảnh SCMP)
Một cặp đồng tính nữ ở Trung Quốc. (Ảnh SCMP)

 

Nhưng thực tế là, bạn đời thực sự của Dongcheng 10 năm nay là một người đàn ông tầm 40 tuổi, làm nghề kiến trúc sư. Còn người vợ trên giấy tờ của anh một người đồng tính nữ. Họ có giao kết với nhau về đám cưới để sống một cuộc đời khác, nhằm tránh ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh.

Dongcheng và người vợ “hợp pháp” của anh là hai trong số ước tính 70 triệu người thuộc nhóm người LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) tại Trung Quốc. Họ hàng ngày phải sống với nhiều nỗi e ngại và lo sợ về sự ruồng bỏ của xã hội. Một khảo sát của tổ chức WorkForLGBT đối với 20.000 người LGBT mới đây cho thấy có 4% trong số đó dám công khai giới tính thật. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng tính luyến ái được coi là “bất hợp pháp” ở Trung Quốc cho đến năm 1997 và đến năm 2001 được coi là bệnh rối loạn tâm thần. Dư luận xã hội Trung Quốc vẫn khá bảo thủ, một phần do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo.
 
Không được sự công nhận từ xã hội, những người đồng tính tại Trung Quốc cũng không được giáo dục đầy đủ và đúng đắn về vấn đề nhạy cảm này, kể cả từ cha mẹ họ. Phần lớn họ đều tự khám phá ra bản thân, thấy mình “khác biệt” so với số đông và lựa chọn sống cuộc đời khép kín, cố gắng che giấu bản thân mình dưới một thân phận khác.
 
Hy vọng cho cộng đồng LGBT tại Trung Quốc
 
Cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền đối với các hoạt động liên quan tới đồng tính luyến ái. Sự việc gần đây nhất là ứng dụng kết bạn đồng giới nữ Rela, với 5 triệu người đăng ký, đã bị cho ngừng hoạt động sau khi ứng dụng này tài trợ cho một sự kiện ngoài trời giúp thay đổi nhận thức của dư luận về đồng tính.
 
Tuy nhiên, việc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới bắt đầu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, mà gần nhất là việc Tòa án hiến pháp Đài Loan công nhận việc kết hôn giữa 2 người cùng giới tính hồi tháng trước, đã thu hút chú ý của dư luận Trung Quốc về đồng tính luyến ái.
 
Ruzai, một người đồng tính, cho biết: "Quan trọng là mọi người phải biết về nó, phải cho rằng nó là chủ đề đáng để được thảo luận. Đó là bước đầu tiên trong việc thay đổi nhận thức của mọi người về hôn nhân đồng giới”.
 
Cũng theo Ruzai, những thế hệ sinh năm từ 1980 tới nay được hưởng nền giáo dục tốt hơn các thế hệ đi trước, do đó họ dễ chấp nhận và thông cảm hơn với cộng đồng LGBT hơn.
 
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng LGBT tại Trung Quốc vẫn giữ niềm tin rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Trước những tranh luận, chỉ trích và kể cả định kiến của dư luận xã hội, những người thuộc cộng đồng LGBT ở đây vẫn tin rằng chỉ cần họ chủ động đấu tranh cho quyền lợi đúng đắn thì họ sẽ được công nhận.
 
Đức Hoàng
 
Theo SCMP

.