Mỹ đánh chặn được tên lửa liên lục địa nhưng...

08:05, 31/05/2017
.

Mỹ tuyên bố đánh chặn thành công một mô hình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong bối cảnh quan ngại về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

 

Quân đội Mỹ thử nghiệm bắn một ICBM tại căn cứ Không quân Vandenberg ngày 30-5 - Ảnh: AFP
Quân đội Mỹ thử nghiệm bắn một ICBM tại căn cứ Không quân Vandenberg ngày 30-5 - Ảnh: AFP

 

Lầu Năm góc cho biết một thiết bị đánh chặn được phóng từ mặt đất tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California "đã thành công đánh chặn một mục tiêu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)" được bắn từ Địa điểm Thử nghiệm Reagan ở quần đảo Marshall.

"Hệ thống này rất quan trọng để bảo vệ đất nước chúng tôi và thử nghiệm này chứng tỏ rằng chúng tôi có năng lực đáng tin cậy để ngăn chặn một mối đe dọa thực sự" - phó đô đốc Jim Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) khẳng định ngày 30-5.
 
Hãng tin AFP cho biết vụ thử nghiệm trên nhằm kiểm tra tính hiệu quả của hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa trên Mặt đất (GMD). Mặc dù từng thành công trong lần kiểm tra gần nhất hồi năm 2014 nhưng hệ thống này lại thất bại khi đánh chặn các tên lửa di chuyển chậm, không phải là tên lửa ICBM.
 
"Việc đánh chặn mục tiêu ICBM phức tạp, gây đe dọa là một thành tựu đáng kinh ngạc đối với hệ thống GMD và là một cột mốc quan trọng cho chương trình này" - ông Syring cho biết.
 
Sự thành công trong cuộc thử nghiệm ngày 30-5 cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm thiết lập nên một hệ thống phòng thủ chống ICBM tại mặt đất.
 
Công nghệ đằng sau GMD là vô cùng phức tạp và hệ thống này sử dụng các cảm biến triển khai trên toàn thế giới để phát hiện và theo dõi các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.
 
"Các thử nghiệm ban đầu cho thấy thử nghiệm đã đạt được mục tiêu co bản nhưng các quan chức trong chương trình sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả của hệ thống dựa trên dữ liệu thu được từ xa và các dữ liệu khác trong cuộc thử nghiệm" - quân đội Mỹ thông tin thêm.
 
Hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ bao gồm 44 thiết bị đánh chặn vào cuối năm nay. Do đó hệ thống này có thể đánh chặn một cuộc tấn công từ một quốc gia khác hoặc một loạt tên lửa nhắm đến Mỹ.
 
Tuy nhiên hệ thống đánh chặn này, có căn cứ tại California và Alaska, có thể bị áp đảo bởi một cuộc tấn công toàn diện từ các cường quốc như Nga hoặc Trung Quốc có khả năng bắn hàng chục tên lửa cùng một lúc.
 
Trong một diễn biến khác, theo AFP, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận các bước tiếp theo để phản ứng lại các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và có thể đạt được quyết định về các biện pháp trừng phạt mới trong tuần này.
 
Theo bà Haley, Trung Quốc đang gây áp lực với Bình Nhưỡng thông qua các kênh hỗ trợ trước đây nhằm thay đổi thái độ của Triều Tiên trong khi thảo luận với Mỹ về thời điểm tung ra một giải pháp trừng phạt mới.
 
"Chúng tôi sẽ duy trì áp lực với Trung Quốc nhưng chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với họ và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ quyết định trong tuần này nên làm những gì" - bà Haley chia sẻ thêm.
 
Chỉ trong vòng 3 tuần qua, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử tên lửa, bỏ ngoài tai cảnh báo của LHQ về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới.
 
Bà Haley cho biết Mỹ sẽ đối thoại với Bình Nhưỡng nếu nước này ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
 
Cho đến nay Triều Tiên đang gánh chịu 6 loạt biện pháp trừng phạt từ LHQ và các cường quốc trên thế giới kể từ lần đầu tiên nước này tiến hành thử nghiệm hạt nhân năm 2006.
 
ANH THƯ/Chinhphu.vn

.