900 nhân viên ngoại giao Mỹ phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump

02:02, 01/02/2017
.

Khoảng 900 quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng loạt ký tên vào bản ghi nhớ nội bộ bày tỏ sự bất bình đối với sắc lệnh do Tổng thống Donald Trump ban hành tuần trước nhằm cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.


 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)


Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận với Reuters rằng bản ghi nhớ trên đã được trình lên quyền Ngoại trưởng Tom Shannon thông qua các “kênh nội bộ” của cơ quan này. Đây là một cách thức để các nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể bày tỏ sự bất bình đối với các chính sách của tổng thống.

Theo Reuters, trong bản ghi nhớ trên, các nhà ngoại giao Mỹ đã lập luận rằng sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký hôm 27/1, trong đó cấm công dân từ 7 quốc gia có đông dân Hồi giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày, sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia này cũng như quan hệ của các quốc gia với Mỹ. Ngoài ra, quyết định của ông Trump được cho là sẽ làm dấy lên phong trào chống Mỹ cũng như làm tổn thương những người muốn tới Mỹ vì các lý do nhân đạo tốt đẹp.

Các nhà ngoại giao viết trong bản ghi nhớ rằng chính sách của ông Trump đi ngược lại những giá trị cốt lõi của Mỹ như không phân biệt đối xử, luôn công bằng và chào đón các du khách và người nhập cư nước ngoài. Đối với các nhà ngoại giao, "một chính sách đóng cửa đối với hơn 200 triệu người đi lại chính đáng, với hy vọng ngăn không cho một bộ phận rất nhỏ sử dụng thị thực vào Mỹ để tấn công người Mỹ… không đáp ứng mục tiêu tăng cường an ninh" cho Mỹ.

Một số ý kiến cho rằng việc ít nhất 4 quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đồng loạt xin từ chức gần đây, trong đó có nhà ngoại giao kỳ cựu, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách quản lý Patrick Kennedy, đã gây tâm lý hoang mang trong giới ngoại giao Mỹ về một khoảng trống quyền lực trước khi các vị trí bỏ trống được lấp đầy.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer ngày 30/1 thông báo ông có biết bản ghi nhớ của 900 nhà ngoại giao Mỹ liên quan đến sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Trump, nhưng ông cũng nhắc nhở các nhà ngoại giao rằng họ “hoặc chấp nhận chương trình này hoặc có thể xin nghỉ việc”.

Giới chức Mỹ đồng loạt lên tiếng
 

Người biểu tình phản đối Tổng thống Trump tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ hôm 31/1 (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình phản đối Tổng thống Trump tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ hôm 31/1 (Ảnh: Reuters)


Theo BBC, ngoài các quan chức ngoại giao Mỹ, một số lãnh đạo của các cơ quan an ninh cũng lên tiếng về sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump. Mới đây, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cho biết 720 người tị nạn đã bị bắt giữ và “đối xử nhân đạo” kể từ sau khi lệnh cấm của Tổng thống Trump được ban hành.

Ông Kevin McAleenan, người đứng đầu CBP, thừa nhận rằng quá trình liên lạc và truyền tải thông tin giữa chính phủ và người dân vẫn chưa được thực hiện một cách “tốt nhất” khi chính sách gây tranh cãi về người nhập cư ra đời. Theo ông McAleenan, 872 người tị nạn vẫn được cho phép vào lãnh thổ Mỹ vào tuần trước, bất chấp lệnh cấm của Tổng thống Trump, đồng thời cho biết rằng việc cho phép những người tị nạn trên nhập cảnh là đúng luật khi họ đã sẵn sàng nhập cảnh, hơn nữa việc ngăn cản họ sẽ "gây ra khó khăn quá mức".

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly phủ nhận việc đánh đồng lệnh cấm của Tổng thống Trump đối với tất cả người Hồi giáo trên thế giới. Thay vào đó, phần lớn những người Hồi giáo ở mọi quốc gia vẫn có thể vào Mỹ như bình thường và thời hạn 90 ngày chỉ là quãng thời gian để giới chức Mỹ có thêm thời gian trong việc đánh giá ưu, khuyết điểm của hệ thống nhập cư vốn đã “kéo dài quá lâu” tại quốc gia này, theo ông Kelly.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan là một trong số những quan chức ủng hộ quyết định cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Trump, nhưng cũng cho biết có một số sự việc "đáng tiếc" xảy ra khi thực hiện sắc lệnh này. Ông Ryan tin rằng chính sách này sẽ được thực thi “đúng đắn” và sẽ áp dụng những “tiêu chuẩn sàng lọc mà tất cả chúng ta đều mong muốn được thấy”.

"Chúng ta có thể vừa mở lòng, vừa xem xét an ninh quốc gia cùng một lúc. Không có gì sai trái khi chúng ta tạm dừng nhập cảnh, đảm bảo xây dựng một quy trình rà soát thích hợp để những sự kiện (khủng bố) như tại Paris không thể tiếp tục xảy ra", ông Ryan nói.

“Không ai muốn nhìn thấy những người có thẻ xanh (cho phép cư trú lâu dài tại Mỹ) hoặc có thị thực nhập cư đặc biệt, như những thông dịch viên, bị bắt giữ vì sắc lệnh này”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhấn mạnh.
 

Theo Thành Đạt/Dân Trí


 


.