Thủ tướng Anh thăm Ấn Độ: Tìm kiếm cơ hội kinh tế hậu Brexit

08:11, 08/11/2016
.

Thúc đẩy phát triển kinh tế cũng chính là mục tiêu chính của nước Anh thông qua chuyến thăm của bà Theresa May tới Ấn Độ bắt đầu hôm 6/11.


“Nước Anh sẽ tập trung vào việc phá bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư, đồng thời mở đường cho một thỏa thuận thương mại tự do càng sớm càng tốt thời hậu Brexit (nước Anh rời Liên minh châu Âu)” - là khẳng định của Thủ tướng Anh Theresa May trong bối cảnh nước Anh đang nhanh chóng hoàn tất Brexit.

Ấn Độ - điểm đến đầu tiên ngoài EU của Thủ tướng Anh

Chuyến đi này của bà Theresa May tới Ấn Độ là sự thể hiện rất rõ tầm nhìn và chiến lược của chính phủ mới tại Anh muốn hướng đến trong thời kỳ hậu Brexit. Mục đích lớn nhất của bà May khi đi Ấn Độ là để tăng cường trao đổi kinh tế, đặt những nền tảng đầu tiên cho một dự án rất tham vọng là ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Ấn Độ.
 

Thủ tướng Anh Theresa May đã đến Ấn Độ (Nguồn: AFP)
Thủ tướng Anh Theresa May đã đến Ấn Độ (Nguồn: AFP)


Hiện tại, nước Anh vẫn đang là thành viên của Liên minh châu Âu EU nên chỉ khi nào Brexit hoàn tất, dự kiến là vào năm 2019, nước Anh mới có thể độc lập ký một Hiệp định thương mại tự do. Nhưng như chính bà May phát biểu trước chuyến đi là “không cần phải chờ đến khi nước Anh hoàn toàn rời khỏi EU thì mới có thể xác định các điểm đồng thuận giữa Anh và Ấn Độ trong trao đổi thương mại”.

Vì thế, có thể nói rằng, chuyến thăm Ấn Độ của bà May là để chuẩn bị cho tương lai nước Anh hậu Brexit, khi nước Anh sẽ xác định ưu tiên là đi tìm kiếm đối tác thương mại ở khắp nơi trên thế giới.

Tất nhiên, việc bà Theresa May chọn Ấn Độ là điểm đến đầu tiên ngoài châu Âu cũng không phải ngẫu nhiên. Anh - Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử lâu đời vì Ấn Độ từng là thuộc địa lớn nhất của đế chế Anh, tại Anh có một cộng đồng Ấn Độ đông đảo và có quyền lực kinh tế.

Hai nước gắn bó với nhau nhiều về lịch sử, ngôn ngữ và Ấn Độ lại là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới với 1,2 tỷ dân và một nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu châu Á. Tất cả những yếu tố đó khiến Ấn Độ là lựa chọn hàng đầu cho chuyến công du ngoài châu Âu đầu tiên của bà May trên cương vị Thủ tướng Anh.

Anh - Ấn: Vị thế đàm phán ngang bằng  

Một Hiệp định thương mại tự do bao giờ cũng là kết quả của một cuộc đàm phán dài hơi và căng thẳng, trong đó hai bên tìm mọi cách để lợi ích của mình đạt được là cao nhất và một Hiệp định chỉ được ký kết nếu cả hai bên đều đưa ra được các nhượng bộ mà cả hai đều chấp nhận được.

Chính vì thế, nếu Anh coi việc đặt chân được vào một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng như Ấn Độ thì ngược lại, Ấn Độ cũng sẽ thu được rất nhiều lợi ích khi phát triển với một đối tác có trình độ công nghệ và quản lý phát triển như nước Anh.

Chuyện đàm phán ngang bằng là rất logic bởi Ấn Độ là một trong những nền kinh tế thuộc nhóm BRICS, với quy mô dân số khổng lồ và tiềm năng có thể trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai không xa.

Vì thế, Ấn Độ có đủ sức nặng cả về kinh tế lẫn chính trị để đạt được vị thế đàm phán ngang bằng, nếu không muốn nói là thuận lợi hơn so với nước Anh bởi sau khi rời châu Âu, nhu cầu đi tìm kiếm đối tác lớn trên thế giới của nước Anh đang nhiều hơn là Ấn Độ, vốn từ lâu nay luôn là một trong những đối tác được ưu tiên hàng đầu của mọi nền kinh tế lớn trên thế giới.

Vị thế đàm phán của Ấn Độ giúp các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế của nước này tự tin hơn trước rất nhiều, cụ thể như ngay trong ngày đầu của chuyến thăm của bà Theresa May đến Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã yêu cầu nước Anh nới lỏng quy chế cấp visa làm việc cho doanh nhân và sinh viên Ấn Độ vào Anh, và coi đó là một trong những hành động quan trọng mà nước Anh cần tiến hành nếu muốn xây dựng quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Ấn Độ.

Triển vọng đầy hứa hẹn

Anh-Ấn Độ có mối quan hệ đặc biệt do lịch sử để lại và từ trước đến nay, Anh vẫn luôn là một trong những điểm đến được yêu thích nhất của các doanh nghiệp cũng như sinh viên Ấn Độ. Cộng đồng gốc Ấn ở Anh đông đảo và có ảnh hưởng. Văn hoá Anh cũng duy trì được vị thế tại Ấn Độ. Giữa hai nước có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát  triển quan hệ song phương.

Người Anh nổi tiếng là các nhà đàm phán và kinh doanh khôn khéo, trong khi Ấn Độ cung cấp một nguồn nhân lực khổng lồ, kể cả nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao.

Vì thế, chắc chắn quan hệ Anh-Ấn trong tương lai sẽ phát triển rất mạnh, đặc biệt khi thúc  đẩy tự do thương mại và xuất khẩu được coi là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nước Anh thời hậu Brexit./.

Theo Thùy Vân/VOV.VN

 


.