Đối thoại Chiến lược Trung-Mỹ: Bế tắc vấn đề tranh chấp Biển Đông ​

10:06, 08/06/2016
.

Bất chấp Mỹ kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc khăng khăng tuyên bố sẽ không chịu lùi bước trong vấn đề này.
 
Theo AFP, điều này khiến cho Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ kết thúc mà không đạt được bất kỳ một bước tiến nào trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

 

Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo về những hành động đơn phương gây nguy hiểm ở Biển Đông tại  Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ . Ảnh AFP
Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo về những hành động đơn phương gây nguy hiểm ở Biển Đông tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ . Ảnh AFP
Mỹ-Trung “đá quả bóng sang chân nhau”
 
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hối thúc Trung Quốc cần phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế thì Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì lại cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào những tranh chấp “nằm cách xa bờ biển nước này”, trong đó có cả vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Ông Dương khăng khăng cho rằng, quan điểm của Trung Quốc trong vụ kiện nói trên là “hoàn toàn theo đúng luật pháp quốc tế” và từ trước đến nay “Bắc Kinh không hề thay đổi quan điểm của mình”.
 
Theo ông Dương, vụ kiện này cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên có liên quan và yêu cầu Wahsington cần “tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ”.
 
Ông Dương còn ngang nhiên cho rằng, Biển Đông thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ xa xưa [dù không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy điều này-ND] và Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình một cách hợp pháp.
 
Điều này đã dẫn tới những bế tắc trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ dù hai bên đã cố gắng hạn chế những khác biệt trong quá trình đối thoại.
 
Phát biểu với các phóng viên, đại diện Mỹ và trung Quốc đều muốn đổ lỗi cho nhau khi vấp phải câu hỏi về việc làm thế nào có thể giải quyết được tình hình ở Biển Đông.
 
Cả hai bên đều kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình và cam kết bảo đảm tự do đi lại trên không và trên biển trong khu vực. Tuy nhiên, những tuyên bố từ đại diện 2 nước cho thấy họ có quan điểm rất khác nhau trong việc đạt được mục tiêu nói trên.
 
“Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường tin cậy lẫn nhau”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong diễn văn khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ và kêu gọi hai nước cần “tăng gấp đôi” nỗ lực để giải quyết bất đồng và tránh đưa ra “những quyết định sai lầm mang tính chiến lược”.
 
“Một số tranh chấp khó có thể được giải quyết ngay lập tức”, ông Tập nói, chính vì thế, hai nước cần “có quan điểm thực tế và xây dựng” để giải quyết những vấn đề trên.
 
Theo ông Tập Cận Bình “toàn bộ khu vực Thái Bình Dương nên là nơi để các bên hợp tác chứ không phải là tranh chấp với nhau”.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng kêu gọi “một giải pháp ngoại giao” cho vấn đề này: "Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông và phản đối bất kỳ một quốc gia nào tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua những hành động đơn phương”.
 
Trước đó, tại Đối thoại Sangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cảnh báo hành động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc sẽ buộc Mỹ và các nước khác phải có những hành động đáp trả.
 
Ngay sau đó, Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc tuyên bố, vấn đề Biển Đông “đang bị thổi bùng lên” và Trung Quốc “không sợ rắc rối” liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
 
Căng thẳng càng thêm gia tăng khi tờ South China Morning Post cuối tuần qua đưa tin Bắc Kinh có thể sẽ đơn phương thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, động thái này nếu xảy ra sẽ bị coi là “cố tình khiêu khích và gây căng thẳng”./.
 
Trần Khánh/VOV.VN
 

.