Bầu cử sơ bộ ở Mỹ: Còn 2 cái tên Trump và Clinton

08:04, 21/04/2016
.

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã hoàn thành vòng bỏ phiếu sơ bộ tại New York. Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đã giành thắng lợi áp đảo trước các đối thủ.
 
Bà Hillary Clinton ứng cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ - Ảnh: Reuters
Bà Hillary Clinton ứng cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ - Ảnh: Reuters

 

Khả năng rất cao là hai ứng viên này sẽ đối mặt trong chặng cuối của cuộc đua vào tháng 11 tới.

Trước đó, nhiều nhà bình luận chính trị, học giả và chính trị gia cho rằng cả ông Trump và bà Clinton sẽ gặp rắc rối tại New York. Họ có thể thắng được bang này nhưng sẽ chỉ đạt đủ số lá phiếu để được chỉ định tại đại hội đảng của mỗi bên vào tháng 7.
 
Kết quả là cả hai ứng viên đã chứng minh điều ngược lại, giành gần 60% số phiếu ủng hộ tại mỗi đảng.
 
Donald Trump đã thay đổi
 chiến thuật
 
Ông Trump xem như đã loại hai đối thủ của mình là Ted Cruz và John Kasich khỏi cơ hội giành đa số phiếu bầu của các đại biểu Đảng Cộng hòa tại đại hội đảng tháng 7 tới.
 
Chỉ còn lại một hi vọng cuối cùng để ngăn Donald Trump là hai ứng cử viên trên giành đa số tại các bang tiếp theo trong vài tuần tới. Điều này vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên xác suất thành công quá thấp.
 
Trong vài tuần vừa qua, ông Trump đã tiến hành những thay đổi triệt để trong chiến lược tranh cử của mình. Ông đã cho nhiều nhân viên trong chiến dịch tranh cử của mình nghỉ để thay thế bằng những chuyên gia có kinh nghiệm và kỹ năng giúp ông chiến thắng và giành được số phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử.
 
Ứng viên này cũng đã hạ giọng trong những phát biểu tranh luận và công kích cá nhân, mang phong cách “tổng thống” hơn trong cuộc vận động tranh cử.
 
Thêm vào đó, ông Trump cũng tuyên bố phản đối những quy tắc của đại hội Đảng Cộng hòa mà ông cho rằng ưu ái các đối thủ của mình và có thể khiến ông không được đề cử.
 
Chiến lược này là một nỗ lực cảnh báo của vị tỉ phú dành cho lãnh đạo Đảng Cộng hòa rằng họ đừng cố gắng loại bỏ ông khỏi vị trí ứng viên được đề cử bất chấp việc ông có thể giành được hầu hết số phiếu đại biểu và phiếu cử tri, đồng thời vượt xa hai đối thủ Cruz và Kasich.
 
Ông Trump và các cộng sự của mình đang mập mờ đe dọa rằng bạo lực sẽ là điều không thể tránh khỏi ngay khi và sau khi đại hội diễn ra nếu ông không được đề cử.
 
Viễn cảnh cho bà Clinton
 
Bà Clinton đang kiểm soát Đảng Dân chủ. Đừng quên rằng chồng bà, ông Bill Clinton, chính là người đã nắm quyền tổng thống trong hai nhiệm kỳ liên tiếp vào những năm 1990 và nền tảng hậu thuẫn cho chiến thắng của bà Clinton hiển nhiên là vô cùng vững vàng.
 
Bà Clinton đang vượt đối thủ của mình là ông Sanders với khoảng cách khá sít sao tính trên số phiếu đại biểu trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Quả thực, ông Sanders đã giành thắng lợi liên tục trong tám vòng bỏ phiếu tại các bang, ngoại trừ New York.
 
Tuy nhiên, còn một yếu tố vô cùng quan trọng chính là các “siêu đại biểu” của Đảng Dân chủ. Số “siêu đại biểu” chiếm khoảng 15% tổng số đại biểu của đảng. Hầu hết trong số họ đã cam kết ủng hộ bà Clinton và điều này khiến cơ hội được đề cử của ông Sanders chỉ là con số 0 tròn trĩnh, đặc biệt sau thất bại nặng nề của vòng sơ bộ ở New York.
 
Tương tự như ông Trump, ông Sanders đã rất mạnh mồm phê phán cơ chế “siêu đại biểu”. Thực tế các “siêu đại biểu” chọn bà Clinton vì bà mới là người đang kiểm soát Đảng Dân chủ chứ không phải ông Sanders.
 
Cuộc đua Trump - Clinton sắp tới
 
Tại thời điểm này, rất khó đoán định được diễn tiến của cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đại hội của hai đảng vào tháng 7 tới. Những người ủng hộ ông Trump chắc chắn sẽ không quay sang ủng hộ bất kỳ ứng viên nào khác được Đảng Cộng hòa đề cử nếu ông này thất bại.
 
Còn nếu người được đề cử là ông Trump thì rất nhiều thành viên phe Cộng hòa sẽ không bỏ phiếu cho ông mà thậm chí có thể quay sang bỏ phiếu cho bà Clitnon.
 
Tình huống tương tự có thể xảy ra với bà Clinton. Những người ủng hộ ông Sanders không yêu thích gì bà và khả năng cao là sẽ không chọn bà.
 
Rất nhiều người ủng hộ của cả hai ứng viên sẽ lựa chọn một giải pháp cực đoan là không bỏ phiếu cho ai hết trong kỳ bầu cử vào mùa thu này.
 
Tình hình còn khó đoán định hơn nữa sau khi một cuộc điều tra về mức độ được người dân yêu thích đối với cả hai ứng viên này đều rất thấp, và trường hợp của bà Clinton là do những tai tiếng về tham nhũng.
 
Kỳ bầu cử cuối năm nay sẽ xoay quanh việc ứng viên nào thuyết phục được cử tri rằng họ là sự lựa chọn tốt hơn mặc dù có thể chưa phải là hoàn hảo.
 
Theo quan điểm của tôi, cử tri Mỹ phần nhiều sẽ chọn cả ông Trump và bà Clinton thay vì chọn một trong hai người. Vì vậy, cho dù người chiến thắng là ai thì cũng sẽ không phải là người chiếm được thiện cảm của đông đảo người dân Mỹ.
 
Tiến sĩ TERRY F. BUSS , THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
 
 

 


.