Hội nghị G7: Đảm bảo tăng trưởng toàn cầu trước nhiều thách thức

01:05, 28/05/2015
.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G7 bắt đầu cuộc họp chính thức ở thành phố Dresden (Đức) ngày 28/5.

Chủ đề của hội nghị lần này đó là “ Hướng đến một nền kinh tế năng động toàn cầu”, nhằm thảo luận những biện pháp giúp đảm bảo ổn định sự phục hồi toàn cầu, không bị ảnh hưởng bởi những nguy cơ có thể xảy ra như cuộc khủng hoảng Hy Lạp, giá dầu tăng và bất ổn trên thị trường tài chính.
 

Thành phố Dresden sẵn sàng cho Hội nghị G7 (Ảnh Reuters)
Thành phố Dresden sẵn sàng cho Hội nghị G7 (Ảnh Reuters)


Nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu khôi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008. Tuy nhiên trong vòng một năm trở lại đây, sự phục này đang chững lại do tốc độ tăng trưởng chậm của những nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc và Đức.

Tăng trưởng tại Nhật Bản gần đây cũng không đạt được như mong đợi. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nổi lên như một điểm sáng trong nhiều năm qua, khi những cải cách kinh tế ngặt nghèo đã bắt đầu mang lại hiệu quả cho các quốc gia như Tây Ban Nha hay Ireland- những nước là tâm điểm cho cuộc khủng hoảng nợ cách đây vài năm.

Tuy nhiên, triển vọng u ám đang bao phủ  các nước sử dụng đồng ơ-rô khi căng thẳng gia tăng giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế, với nhiều đồn đoán về khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực. Chính phủ Hy Lạp cho biết, không có đủ tiền để trả các khoản vay từ Quĩ tiền tệ quốc tế mà không có sự trợ giúp từ châu Âu. Sự vỡ nợ có thể gây ra những hiệu ứng domino, khiến Hy Lạp phải rời Eurozone.

Nếu kịch bản này xảy ra, không chỉ tác động đến nền kinh tế Hy Lạp nói riêng mà còn cả khối Eurozone và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Phát biểu trước khi tham dự cuộc họp G7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo, châu Âu không nên đưa ra các tính toán sai lầm trong quyết định về Hy Lạp. Bởi cái giá của việc Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không thể dự đoán được.

 “Sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng thất bại sẽ không gây ra hậu quả bên ngoài Hy Lạp. Chúng tôi không biết chính xác qui mô của hậu quả là gì. Nhưng không nghi ngờ rằng, nếu cuộc khủng hoảng xảy ra, Hy Lạp sẽ đối mặt với hậu quả tồi tệ nhất. Tuy nhiên điều này cũng nằm trong lợi ích của cả châu Âu và nền kinh tế toàn cầu”, ông Lew nói.

Cuộc họp tại Dresden là cơ hội để những nền kinh tế hàng đầu thế giới vực dậy tăng trưởng, tránh những nguy cơ về giá dầu, bất ổn trên thị trường tài chính ảnh hưởng đến sự phục hồi ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Các quan chức nước chủ nhà Đức cho rằng, chìa khóa để hướng đến đầu tư bền vững, qua đó thúc đẩy tăng trưởng đó là sự quản lí nguồn tài chính chính phủ ổn định- một thách thức đối với các quốc gia đang đối phó với thâm hụt lớn, cũng như nới lỏng các luật lao động.

Các bộ trưởng dự kiến tiếp tục thảo luận biện pháp tăng cường cuộc chiến chống tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, giảm nhẹ gánh nặng nợ của Ucraina, kêu gọi cải cách cấu trúc....

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến. Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để cải thiện nghị định khung hiện nay và đưa ra các công cụ hợp tác toàn cầu mạnh mẽ hơn. Không nước nào có thể giải quyết những vấn đề của mình,  và các thách thức toàn cầu phải có sự hợp tác lẫn nhau”.

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng là bài toàn khó giải trong bối cảnh có nhiều rủi ro xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Chính vì vậy, vấn đề thực sự gây tranh cãi tại hội nghị 3 ngày này sẽ là những cuộc thảo luận bên lề, bao gồm cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, nguy cơ Anh tổ chức trưng cầu ý dân rời khỏi Liên minh châu Âu cũng như sự nổi lên của một quyền lực không có mặt trong G7 là Trung Quốc.

Cuộc họp ở Dresden cũng sẽ giúp thiết lập các chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng tới./.

Theo Phạm Hà/VOV

 


.