Nguy cơ vũ khí hóa học Iraq rơi vào tay IS

07:10, 17/10/2014
.

Số vũ khí hóa học từng được Mỹ tìm thấy ở Iraq, có thể đã rơi vào tay IS, thông tin lâu nay được Washington xem là “tuyệt mật” vừa được giới truyền thông điều tra.

 

Một số quả bom chứa chất độc hóa học được tìm thấy tại tỉnh Muthanna ở Iraq - Ảnh: AFP
Một số quả bom chứa chất độc hóa học được tìm thấy tại tỉnh Muthanna ở Iraq - Ảnh: AFP


Tờ The New York Times cho rằng số vũ khí hóa học từng được binh sĩ Mỹ tìm thấy trong giai đoạn 2004 - 2011 ở Iraq có thể đã rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo (IS), khi  tổ chức cực đoan này chiếm giữ được một số kho vũ khí hóa học tại Iraq trong vài tháng qua,

Chỉ là tàn tích

Qua lời kể của nhiều nhân chứng và tham khảo các tài liệu chính thức, The New York Times cho biết sau khi lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, từ năm 2004 - 2011, các binh sĩ Mỹ đã tìm được khoảng 5.000 đầu đạn, đạn pháo và bom hóa học ở Iraq.

Số vũ khí nói trên chứa khí mù tạt, khí sarin và nhiều chất độc gây tổn hại hệ thần kinh. Ít nhất 17 binh sĩ Mỹ và 7 binh sĩ Iraq đã bị thương do tiếp xúc những vũ khí này. Nguyên nhân chính là khi được tìm thấy, các vũ khí hóa học đã quá cũ kỹ, nhìn bên ngoài không khác gì vũ khí bình thường, lại phủ đầy bùn đất nên các binh sĩ không biết đang phải xử lý những chất rất độc hại.

Phần lớn binh sĩ Mỹ từng tiếp xúc với vũ khí hóa học tại Iraq khi về nước đã không được điều trị theo phác đồ đặc biệt dành cho những thương tổn do ảnh hưởng của khí độc và đến nay vẫn chịu các di chứng nặng nề lên sức khỏe: thường xuyên bị nhức đầu, hô hấp khó khăn... Chính phủ Mỹ cố tình giữ kín thông tin về việc tìm thấy vũ khí hóa học ở Iraq. Hệ quả là những binh sĩ nói trên cũng không được công nhận bị thương vì chất độc hóa học để được điều trị một cách phù hợp.

 

 Thành viên lực lượng Hồi giáo cực đoan IS - Ảnh: AFP
Thành viên lực lượng Hồi giáo cực đoan IS - Ảnh: AFP


Theo The New York Times, tất cả vũ khí hóa học được tìm thấy ở Iraq đều được sản xuất trước thập niên 1990, chủ yếu phục vụ trong chiến tranh với Iran (1980 - 1988). Như vậy, những gì được quân đội Mỹ “phát hiện” chỉ là những tàn tích của chiến tranh, chẳng hề liên quan đến lý do được Tổng thống George Bush đưa ra để can thiệp quân sự vào Iraq: ông Hussein vẫn sở hữu và tiếp tục sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt sau vụ khủng bố 11.9.2001.
     

IS bị nghi tấn công bằng vũ khí hóa học

Theo The New York Times, LHQ ước tính hiện vẫn còn 2.500 vũ khí hóa học đang bị “bỏ quên” ở Iraq. Đây thật sự là mối đe dọa lớn do IS đã chiếm được nhiều khu vực của nước này, trong đó có những tỉnh thành từng là địa điểm chính sản xuất các loại chất độc phục vụ chiến tranh với Iran. Hồi tháng 6, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết IS đã chiếm được nhà máy hóa chất ở tỉnh Muthanna. Báo MERIA Journal ngày 15.10 đăng tải một số hình ảnh cho thấy IS đã dùng vũ khí hóa học để tấn công các khu vực của người Kurd ở Iraq.

Việc ém thông tin làm cho các binh sĩ Mỹ thực hiện nhiệm vụ ở Iraq tiếp tục không hay biết về nguy cơ phải tiếp xúc với chất độc nên dễ dàng bị phơi nhiễm. Bên cạnh đó, do không công bố chính thức nên việc tiêu hủy vũ khí hóa học “tồn kho” cũng không đúng quy chuẩn quốc tế. Thậm chí, The New York Times dẫn lời một số nhân chứng cho biết một phần trong số vũ khí này đã bị quân đội Mỹ bỏ mặc nên rơi vào tay những nhóm vũ trang quá khích.

Sản phẩm của phương Tây

Washington giữ im lặng còn vì một nguyên nhân vô cùng quan trọng khác: Mỹ và các nước phương Tây khác có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất vũ khí hóa học ở Iraq trong chiến tranh với Iran.

Thời điểm đó, theo The New York Times, chính quyền Hussein nhận hỗ trợ tài chính từ phương Tây để mua các loại vũ khí chuyên dụng phát tán chất độc do Mỹ sáng chế, sản xuất ở châu Âu. Còn các chất độc hóa học được sản xuất ở những nhà máy do các công ty Âu - Mỹ xây dựng ở Iraq.

Báo Le Nouvel Observateur dẫn lời một cựu thanh sát viên của Ủy ban Đặc biệt LHQ (UNSCOM) kể: “Chúng tôi từng đọc các báo cáo về việc các công ty phương Tây có liên quan đến sản xuất vũ khí hóa học tại Iraq nhưng đọc chỉ để biết, việc chính của chúng tôi là giám sát công tác tiêu hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq”.
 

Lực lượng IS diễu binh cùng vũ khí trên đường phố. - Ảnh: AFP
Lực lượng IS diễu binh cùng vũ khí trên đường phố. - Ảnh: AFP


Bên cạnh đó, tờ Foreign Policy dẫn một số tài liệu giải mật của CIA cho biết Washington biết rõ Tổng thống Hussein dùng bom chứa khí sarin hoặc khí tabun để tấn công binh sĩ Iran từ năm 1983. Năm 1987, sau khi phân tích hình ảnh từ vệ tinh, Mỹ phát hiện Iran đã xác định được điểm yếu chiến lược của quân đội Iraq và đang dồn quân sát thành phố Bassora (nam Iraq).

Washington nhận định Tehran có thể giành thắng lợi hoàn toàn từ đợt tấn công tổng lực này và đây là điều “không thể chấp nhận”. Chính vì vậy, dù biết quân đội Iraq sẽ tiếp tục dùng vũ khí hóa học nhưng Mỹ vẫn cung cấp tất cả thông tin về chiến dịch của Iran.

CIA ước tính Baghdad đã ít nhất 4 lần dùng vũ khí hóa học để dọn đường cho các đợt tấn công trong chiến tranh với Iran và mỗi lần làm từ “hàng trăm đến hàng ngàn” người Iran thiệt mạng. Kinh hoàng hơn, theo Le Nouvel Observateur, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, tháng 3.1988, quân đội Iraq đã mở đợt tấn công bằng khí mù tạt, sarin và tabun vào làng Halabja của người Kurd, làm 5.000 người chết và từ 7.000 - 10.000 người bị thương.
 

Theo Nguyễn Ngọc Lan Chi/Thanh Niên Online

 


.