Nhật Bản thông qua quyền phòng vệ tập thể

09:07, 01/07/2014
.

Ngày 1-7, Liên minh các đảng cầm quyền của Nhật Bản đã bỏ phiếu thông qua quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể qua việc giải thích lại hiến pháp hòa bình của nước này.
 

 Các thành viên SDF chỉ tham gia nhiệm vụ hậu cần trong các chiến dịch ở nước ngoài - Ảnh: japantimes.co.jp
Các thành viên SDF chỉ tham gia nhiệm vụ hậu cần trong các chiến dịch ở nước ngoài - Ảnh: japantimes.co.jp


Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn các thay đổi trong ngày 1-7, bất chấp những chỉ trích từ dư luận và ngay cả trong liên minh cầm quyền. Ông Abe dự kiến sẽ tổ chức họp báo sau đó để giải thích quan điểm của ông về vấn đề gây tranh cãi này.

Đảng Dân chủ tự do (LDP) và đối tác của họ trong liên minh cầm quyền Komeito mới (Hán Nhật: Công Minh Đảng) đã đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp vào buổi sáng 1-7, sau chỉ khoảng một tháng vấn đề giải thích lại hiến pháp được đặt ra. Ông Abe trước đó đã nói ông muốn Nhật Bản đóng một vai trò “chủ động” hơn trong đảm bảo hòa bình và an ninh trên thế giới.

Giờ Nhật Bản sẽ đặt ra những điều kiện mới trong việc sử dụng quân đội để tự vệ, mở rộng “ranh giới tối thiểu” theo hiến pháp bao gồm việc phòng ngự tập thể, phòng ngự cho các đồng minh trong hoàn cảnh bị nước ngoài tấn công, dù bản thân Nhật Bản không bị tấn công.

Phòng vệ tập thể là một đề tài nhạy cảm ở Nhật, khi Tokyo bị giới hạn trong việc triển khai quân đội vì điều 9 hiến pháp, trong đó cấm nước này sử dụng vũ lực để dàn xếp các tranh chấp quốc tế. Đảng Komeito mới đã phản đối việc giải thích lại điều 9, nhưng nhượng bộ trong việc cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Sau khi những điều chỉnh được thông qua, Nhật Bản và nước đồng minh có hiệp ước Mỹ sẽ xem xét lại các điều khoản trong thỏa thuận phòng thủ song phương giữa hai nước từ giờ tới cuối năm.

Thủ tướng Abe đã thúc đẩy động thái này kể từ khi lên nắm quyền 18 tháng trước, bất chấp những lo lắng trong cử tri Nhật, bởi hiến pháp và nhất là điều 9 chưa bao giờ được đưa ra thảo luận kể từ sau thế chiến thứ hai.

Hàng trăm người biểu tình, bao gồm những người về hưu và thành viên các liên đoàn lao động, đã tuần hành gần văn phòng thủ tướng Nhật ngày 1-7 mang theo các biểu ngữ và hét vang “Không phá bỏ điều 9” và “Chúng tôi chống chiến tranh”.

Thay đổi của Nhật Bản rất có thể sẽ làm phật lòng Trung Quốc, nước đang có quan hệ căng thẳng với Nhật vì những tranh chấp trên biển.

Tuy nhiên, Reuters bình luân Washington sẽ hoan nghênh động thái này vì từ lâu Mỹ đã hối thúc Nhật trở thành một đối tác cân bằng hơn trong mối quan hệ liên minh.


Theo Chiêu Văn (Tuổi trẻ)


.