Nga công bố tin gây sốc về vụ máy bay Malaysia

03:07, 19/07/2014
.

Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (18/7) tuyên bố vào thời điểm khi chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airline được cho là bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine, khẩu đội tên lửa phòng không Buk của Ukraine đặt tại khu vực đang ở trạng thái hoạt động. Thông tin gây sốc này của Bộ Quốc phòng Nga trái ngược lại hoàn toàn với những tuyên bố được đưa ra trước đó của giới chức Kiev.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Khẩu đội tên lửa Buk của Ukraine đã được triển khai ở một vị trí mà từ đó nó có thể phóng đi một quả tên lửa nhằm vào chiếc máy bay, Bộ Quốc phòng Nga đã cho biết như vậy trong một tuyên bố. Theo bộ này, họ đã phát hiện ra phóng xạ từ hệ thống radar của khẩu đội tên lửa Buk.
 
“Thiết bị của Nga phát hiện hệ thống radar Kupol hoạt động trong ngày 17/7. Hệ thống radar này được triển khai như một phần của khẩu đội tên lửa Buk-M1 của Ukraine ở gần Styla – một ngôi làng cách phía nam Donetsk khoảng 30km”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
 
Cơ quan hàng đầu về quân sự của Nga cho biết, hệ thống radar đó có thể đang cung cấp các thông tin, dữ liệu cho một khẩu đội tên lửa khác được triển khai trong khu vực. Khẩu đội này nằm trong khoảng cách tầm bắn từ đường bay của máy bay Boeing 777.
 
Trước đó, Kiev khẳng định lực lượng của nước này không thể bắn một tên lửa nào vào chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Malaysia Airlines bởi họ không triển khai những bệ phóng tên lửa Buk trong khu vực. Cùng lúc, theo một tuyên bố được phát đi từ Trưởng Công tố của nước này, người Ukraine cũng nói rằng, lực lượng ly khai miền đông không sở hữu tên lửa Buk trong tay.
 
Chiếc máy bay Boeing-777 đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì gặp nạn ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk. Khi gặp nạn, chiếc máy bay này đang chở 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn. Không có người nào sống sót trong thảm kịch máy bay nói trên. Hiện tại, rất nhiều nguồn tin khẳng định, chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không. Cả Kiev và lực lượng ly khai miền đông đều phủ nhận trách nhiệm về vụ rơi máy bay nói trên và đang quay sang đổ lỗi cho nhau. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo thế giới đang phẫn nộ lên tiếng chỉ trích gay gắt về vụ máy bay bị bắn rơi đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, toàn diện và khách quan.
            
Malaysia: Chính phủ Ukraine chịu trách nhiệm về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi
 
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia - ông Liow Tiong Lai hôm qua (18/7) đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, theo bản Phụ lục 13 của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế, chính phủ Ukraine nên mở một cuộc điều tra về vụ tai nạn đối với máy bay MH17 và nên chịu trách nhiệm về cách thức tiến hành điều tra.
 
Ông Lai cho hay, Malaysia sẽ cung cấp sự giúp đỡ hết mức và đầy đủ cho cuộc điều tra. "Malaysia đã chính thức được mời tham gia và sẽ cử hai đại diện cấp cao có uy tín đến tham gia hỗ trợ cuộc điều tra".
 
Theo lời Bộ trưởng Liow, Malaysia hoan nghênh những lời kêu gọi về việc tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập đối với vụ máy bay MH17 rơi. Ông này cũng nhấn mạnh rằng, việc bảo đảm hiện trường của vụ rơi máy bay còn nguyên vẹn, không bị xáo trộn là điều hết sức cần thiết.
 
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia cam kết, hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ phải chịu trách nhiệm một cách nghiêm túc trước người thân của các nạn nhân. Hãng này đã cử khoảng 40 nhân viên bay đến Amsterdam để hỗ trợ các gia đình nạn nhân.
 
"Hiện tại, có tất cả 62 người, trong đó có 30 thành viên của đội SMART, 15 nhân viên y tế, 10 đại diện của Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia, 5 nhân viên của hãng hàng không Malaysia Airlines và hai nhân viên của Cục Hàng không Dân sự Malaysia, đang bay tới Kiev”, ông Liow cho biết.
 
Vị quan chức giao thông của Malaysia cũng cung cấp thông tin về quốc tịch của các hành khách đi trên máy bay, nói rằng vẫn còn 20 người nữa chưa được xác định.
 
Theo danh sách mới nhất được cung cấp cho Bộ trưởng Liow, trong số những người đi trên máy bay MH17 có 173 người đến từ Hà  Lan, 44 người Malaysia, 27 người Australia, 12 người Indonesia, 9 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines, 1 người Canada và một người New Zealand. Mỹ cũng thông báo có ít nhất một công dân của họ có mặt trên chuyến bay định mệnh MH17.
 
"Một khi tất cả các gia đình đã được liên hệ, thông tin về các nạn nhân sẽ được công bố đầy đủ”, Bộ trưởng Liow cho biết.
 
Về tuyến đường bay qua vùng chiến sự gây thắc mắc của MH17, ông Liow cho rằng, đó là tuyến đường bay được thông qua bởi Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế và rất nhiều nước vẫn bay qua khu vực không phận đó. "Và Hiệp hội Giao thông Vận tải Quốc tế cũng đã tuyên bố, khu vực không phận mà máy bay MH17 bay qua là không giới hạn”, ông Liow nói thêm.
 
15 trong số 16 hãng hàng không thuộc Hiệp hội Hàng không Châu Á-Thái Bình Dương đã sử dụng tuyến đường bay qua không phận Ukraine và các hãng hàng không của Châu Âu cũng bay cùng tuyến đường như vậy, đi qua cùng không phận như vậy.
 
Bộ trưởng Liow cho hay, giới chức ở Mỹ và Ukraine đã ám chỉ rằng, chiếc MH17 bị bắn hạ. "Nếu điều này được xác định thì đó sẽ là hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế và là một sự việc gây phẫn nộ". Ông Liow cho biết, Malaysia lên án bất kỳ hành động nào như thế bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể đồng thời kêu gọi nhanh chóng đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ việc ra ánh sáng. Khi được hỏi liệu có phải hãng hàng không Malaysia Airlines chọn tuyến đường bay qua vùng chiến sự Ukraine để tiết kiệm năng lượng hay không, Bộ trưởng Liow đã khẳng định, đó là những thông tin sai sự thật.

 

Theo VnMedia
 


.