Argentina đứng bên bờ vực vỡ nợ

08:07, 30/07/2014
.

Ngày  28-7 Chính phủ Argentina thừa nhận có thể sẽ vỡ nợ và kêu gọi người dân đất nước giữ sự bình tĩnh.
 

Bộ trưởng Tài chính Argentina Pablo Lopez đến New York để đàm phán với các chủ nợ hôm 24-7 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Argentina Pablo Lopez đến New York để đàm phán với các chủ nợ hôm 24-7 - Ảnh: Reuters


Theo AFP, ông Jorge Capitanich, chánh văn phòng của Tổng thống Cristina Kirchner, cho biết chính phủ có thể không trả nổi món nợ 539 triệu USD trước hạn chót là ngày mai. “Người dân Argentina cần giữ bình tĩnh vì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chính phủ đảm bảo hệ thống kinh tế sẽ tiếp tục vận hành” - ông Capitanich trấn an. Một số quan chức chính phủ khác cũng tuyên bố sẽ không có gì nghiêm trọng xảy ra kể cả khi Chính phủ Argentina vỡ nợ. Hôm nay phía Argentina sẽ tiếp tục cuộc đàm phán vào phút cuối với một số chủ nợ là các quỹ đầu tư.

Mới đây, một tòa án Mỹ ra phán quyết yêu cầu Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Nam Mỹ, phải chi trả toàn bộ 1,3 tỉ USD tiền nợ cho hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management. Chỉ khi đó Argentina mới được phép trả nợ cho các chủ nợ đã đồng ý tái cơ cấu nợ của nước này.

Tuy nhiên kế hoạch tái cơ cấu nợ có thể sụp đổ nếu Argentina trả đủ tiền cho hai quỹ trên. Vì các chủ nợ khác có thể cũng sẽ đâm đơn kiện đòi Argentina trả đủ số nợ đã thiếu. Nếu không đạt được thỏa thuận vào đêm mai, các hãng xếp hạng tín dụng sẽ tuyên bố Argentina vỡ nợ. Đây sẽ là lần thứ hai Argentina vỡ nợ trong 13 năm qua. Năm 2001, Argentina bị vỡ nợ khi không trả nổi núi nợ khổng lồ 100 tỉ USD.

Tuy nhiên báo Financial Times dẫn lời các chuyên gia đánh giá tình trạng của Argentina sẽ không khẩn thiết như năm 2001. Trong bốn năm trước 2001, Argentina rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Đến năm 2001 tỉ lệ thất nghiệp tăng lên gần 25%. Hàng chục nghìn người dân nước này phải sống lang thang ngoài đường.

Ở thời điểm hiện tại, Argentina thiếu nợ khoảng 30 tỉ USD và nền kinh tế không bị khủng hoảng lớn trong những năm qua. Tác động lớn nhất của lần vỡ nợ này là Chính phủ Argentina sẽ không thể tiếp cận các thị trường vốn quốc tế và đầu tư nước ngoài sẽ sụt giảm.
 

Theo NGUYỆT PHƯƠNG/Tuổi Trẻ Online

 


.