Phe Áo đỏ Thái Lan liệu có bảo vệ được bà Yingluck?

03:03, 23/03/2014
.

 Những người Áo đỏ ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra này 23/3 đã tuyên bố sẽ xuống đường biểu tình.


Theo Reuters, động thái này diễn ra sau khi bà Yingluck phải đối mặt với hàng loạt các cáo buộc riêng rẽ.

Phe Áo đỏ hành động

Động thái này cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng phe Áo đỏ có thể đụng độ với những người biểu tình chống Chính phủ vốn đã ngăn trở cuộc bầu cử tháng 2 vừa qua, thời điểm bà Yingluck được kỳ vọng là sẽ dễ dàng giành thắng lợi.

Trước đó, Toà án Hiến pháp Thái Lan đã bãi bỏ cuộc bầu cử ngày 22/2 và Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử nước này cho biết sẽ phải mất hàng tháng trời mới có thể tổ chức được một cuộc bầu cử mới.
 

Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Thống nhất Chống Độc tài Jatuporn Prompan kêu gọi các thành viên Áo đỏ tham gia biểu tình ủng hộ bà Yingluck (Ảnh Reuters)
Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Thống nhất Chống Độc tài Jatuporn Prompan kêu gọi các thành viên Áo đỏ tham gia biểu tình ủng hộ bà Yingluck (Ảnh Reuters)


Điều này sẽ khiến bà Yingluck sẽ phải tiếp tục đóng vai trò đứng đầu một Chính phủ tạm quyền với những quyền lực rất hạn chế.

Như vậy, sau hàng tháng trời kiềm chế, phe Áo đó tại Thái Lan đã chuẩn bị những bước đi cứng rắng hơn dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh mới.

“Vào ngày 5/4, các thành viên Áo đỏ hãy gói ghém hành lý và sẵn sàng cho một cuộc tụ họp lớn. Địa điểm tập trung của chúng ta có thể là tại Bangkok và một vài nơi khác sẽ được tuyên bố sau này”, ông Jatuporn Prompan, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Thống nhất Chống Độc tài (của phe Áo đỏ), tuyên bố với những người ủng hộ vào đêm 22/3.

Trước đó, Ông Jatuporn đã tổ chức một cuộc nổi dậy của phe Áo đỏ chống lại Chính quyền dẫn đến một cuộc trấn áp đẫm máu vào tháng 5/2010 khiến 90 bị thiệt mạng tại trung tâm thủ đô Bangkok.

Bản thân ông Jatuporn vẫn đang bị buộc tội khủng bố liên quan đến cuộc biểu tình năm 2010.

Trong khi đó, phát biểu trước đám đông 10.000 người tại thành phố Pattaya ở phía Đông Nam Bangkok, một thủ lĩnh Áo đỏ khác là ông Nisit Sintuprai đã đưa ra lời cảnh bảo với thủ lĩnh biểu tình chống Chính phủ Suthep Thaugsuban.

“Một lý do chính cho việc chúng ta lại tổ chức biểu tình là để nhắn gửi đến ông Suthep rằng phần đông người dân Thái Lan mong có được một nền dân chủ và mong Chính phủ phải được lựa chọn thông qua bầu cử. Chúng ta sẽ không chấp thuận một Thủ tướng do người của ông Suthep chỉ định”, ông Nisit nói.

Bà Yingluck gặp khó

Trước đó, những người ủng hộ ông Suthep đã ngăn trở cuộc bầu cử vào tháng 2 vừa qua và khiến cuộc bầu cử này không thể diễn ra tại 28 điểm bỏ phiếu.

Chính vì vậy, Toà án Hiến pháp Thái Lan ngày 21/3 đã ra phán quyết rằng cuộc bỏ phiếu nói trên là không hợp pháp vì cuộc bỏ phiếu cần phải được tiến hành đồng thời trên cả nước trong cùng một ngày.

Uỷ ban Bầu cử Thái Lan dự kiến sẽ nhóm họp ngày 24/3 để quyết định cách thức tiến hành bầu cử.
 

Thủ tướng Yingluck đang đối mặt với quá nhiều khó khăn (Ảnh AP)
Thủ tướng Yingluck đang đối mặt với quá nhiều khó khăn (Ảnh AP)


Rất khó để đoán định xem liệu Chính phủ tạm quyền của bà Yingluck có thể tồn tại thêm bao lâu nữa nhất là trong bối cảnh bà có thể bị cáo buộc lơ là trách nhiệm trong việc trợ cấp giá gạo khiến kinh tế Thái Lan tổn hại nghiêm trọng.

Bà Yingluck sẽ phải tự bảo vệ mình trước Uỷ ban Chống Tham nhũng của nước này ngày 31/3 và quyết định kết án bà có thể được đưa ra ngay sau đó. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể buộc phải rời khỏi vị trí Thủ tướng.

Ngoài ra bà còn có thể bị mất quyền Đại biểu tại Thượng viện, được cho là sẽ có đa số thành viên là những người chống lại gia đình bà sau cuộc bầu cử để lựa chọn ra hơn 1/2 thành viên Thượng viện vào ngày 30/3.

Phe đối lập liệu có thành công?

Trong trường hợp đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Thượng viện sẽ phải bầu một Thủ tướng trung lập, rất có thể là một nhân vật do phe biểu tình chống Chính phủ đề xuất.

“Rõ ràng là Toà án và Uỷ ban chống Tham nhũng Thái Lan muốn bà Yingluck và toàn bộ Nội các của bà phải từ chức để tạo ra một khoảng trống về quyền lực”, Kan Yuenyong, một nhà phân tích tại đơn vị Tình báo Siam cho biết.

“Họ sẽ tuyên bố các cuộc bầu cử không thể được tổ chức và sẽ tự chỉ định một Thủ tướng mới theo ý của họ”, ông Kan cho biết.

“Nếu họ định làm như vậy, những người ủng hộ Chính phủ (phe Áo đỏ) sẽ đấu tranh và tình hình Thái Lan trong nửa cuối năm nay sẽ còn tệ hơn nhiều so với tình hình đầu năm nay”, ông Kan khẳng định./.
 

Theo Trần Khánh/VOV online

 


.