Châu Âu chia rẽ, chần chừ về cách "chơi đòn kinh tế" với Nga

08:03, 06/03/2014
.

Sự ngập ngừng trong việc lựa chọn các biện pháp phản ứng với Nga cho thấy một Liên minh châu Âu bị chia rẽ tương đối sâu sắc.
 
Hai ngày trước, khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang trong những thời điểm căng thẳng nhất, đài BBC của Anh tiết lộ một tài liệu gây ngỡ ngàng. Đó là một tài liệu mật mà BBC từ chối tiết lộ nguồn gốc nhưng đích đến là số 10 phố Downing, Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron. Nội dung tài liệu ghi “nước Anh vào thời điểm này không ủng hộ những trừng phạt thương mại hay đóng cửa các trung tâm tài chính London đối với người Nga”.
 

 (ảnh: lithuaniatribune)
(ảnh: lithuaniatribune)



Tiết lộ này là một bất ngờ không dễ chịu với các quan chức Liên minh châu Âu, dù thực ra thì nó cũng không khó dự đoán. Bởi lẽ, ở thời điểm của cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Liên minh châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc.

Đối phó với một nước Nga cứng rắn, Liên minh châu Âu không có nhiều lựa chọn. Giải pháp quân sự, dù là trực tiếp tham chiến qua NATO hay gián tiếp ủng hộ Ukraine, bị gạt ngay trong những thảo luận đầu tiên nên để gây sức ép với Moscow, Liên minh châu Âu không còn biện pháp nào khác là trừng phạt về chính trị và kinh tế.

Nhưng trừng phạt về chính trị, như tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh G8 hay ngừng cấp visa cho quan chức Nga không đem lại quá nhiều sức nặng. Vũ khí kinh tế được coi là tối ưu. Nhưng vấn đề của Liên minh châu Âu là phải trừng phạt Nga như thế nào và ở mức độ nào?

Trở ngại đầu tiên của Liên minh châu Âu, là ngay trong nội bộ 28 quốc gia thành viên vẫn còn những nước không muốn trừng phạt kinh tế với Nga, chứ chưa nói là trừng phạt như thế nào. Đa số những nước muốn Liên minh châu Âu mạnh tay với Nga là các nước thuộc Đông Âu cũ mới gia nhập Liên minh châu Âu và có lịch sử quan hệ nhiều thăng trầm với Nga, như Ba Lan, Latvia, CH Czech hay Rumani. Các nước này hoặc có biên giới với Nga hoặc ở rất gần Nga nên lo ngại nếu Liên minh châu Âu và Mỹ không cứng rắn với Nga thì cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh của họ. Thậm chí Ba Lan còn sử dụng điều 4 của NATO (khi cảm thấy an ninh bị uy hiếp) để đề nghị liên minh quân sự này họp khẩn cấp. Chính vì thế, đây là những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc trừng phạt nặng Nga về kinh tế.

Nhưng các thành viên ở Tây Âu lại lưỡng lự vì vốn có quan hệ kinh tế mật thiết và tầm cỡ với Nga, điển hình là Đức. Quốc gia hùng mạnh nhất về kinh tế của Liên minh châu Âu phụ thuộc đến 31% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga và hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Nga. Kim ngạch thương mại giữa Đức và Nga lên đến trên 76 tỷ euro trong năm 2013 nên nếu trừng phạt Nga, nền kinh tế Đức chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đó là lí do mà Berlin đang có những động thái gây bối rối cho chính châu Âu. Ngày hôm nay (6/3) khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu lại họp tiếp ở Brussels để đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga thì Phó Thủ tướng Đức, Sigmar Gabriel sẽ lên đường sang Moscow để bàn về… hợp tác kinh tế. Hơn 6.000 công ty Đức đang làm ăn ở Nga, hơn 200.000 công ăn việc làm ở Đức phụ thuộc vào các quan hệ kinh tế với Nga, đó là lí do vì sao Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không dưới một lần tuyên bố, kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, cô lập Nga và trừng phạt Nga về kinh tế “không phải là một giải pháp”. Chưa kể, bà Merkel còn có quan hệ khá hữu hảo với ông Putin và được coi là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất trong thời điểm này có thể đối thoại hiệu quả với ông Putin.

Một cường quốc Tây Âu khác cũng đang chần chừ trong việc trừng phạt Nga chính là Anh. London là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu và thu hút một lượng lớn các nhà tài phiệt và nhà đầu tư Nga đến sinh sống và làm ăn nên việc trừng phạt kinh tế Nga, mà nhiều khả năng sẽ đi kèm biện pháp đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài, là tin tức không tốt lành với London.

Với Pháp, nền kinh tế số 2 của Liên minh châu Âu và là nước có quan điểm rất cứng rắn với Moscow trong đợt này, trừng phạt kinh tế cũng không phải là giải pháp ưa thích. Dù ít phụ thuộc năng lượng vào Nga như Đức nhưng Pháp cũng có nhiều quan hệ kinh tế tầm cỡ với Nga. Hai tập đoàn Gazprom của Nga và Areva của Pháp đang là đối tác và cùng đầu tư vào một loạt các nhà máy điện nguyên tử tại châu Âu, trong đó có cả nhà máy ở Anh. Thậm chí, Pháp cũng đang hợp tác quân sự hiệu quả với Nga. Nga là nhà cung cấp nguyên liệu quý (như titan) hàng đầu cho nhà các nhà máy sản xuất máy bay Airbus tại Pháp.

Sau cùng, những nền kinh tế chịu nhiều thiệt hại nhất nếu các chiến kinh tế Nga-Liên minh châu Âu nổ ra sẽ lại chính là các nước nằm ở vùng đệm giữa Nga và Liên minh châu Âu, như Ba Lan, Cộng hòa Séc hay Slôvakia, nơi các đường ống dẫn dầu và khí của Nga đi qua. Các nước này phụ thuộc cực lớn vào nguồn khí đốt của Nga và đã từng chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine trong giai đoạn 2006-2008.

Sức ép giờ đây đè nặng lên vai Liên minh châu Âu. Brussels không thể không phản ứng mạnh mẽ để gây sức ép với Moscow nhưng cũng không thể đi quá xa trong các trừng phạt đó để rồi gây hại cho chính các nền kinh tế đang què quặt vì khủng hoảng của mình.

Đó thực sự là một bài toán nan giải./.



Thùy Vân/VOV


.