Hải quân Mỹ sắp triển khai vũ khí laser siêu hiện đại

07:02, 18/02/2014
.

Một vài trong số những loại vụ khí hiện đại, tưởng như chỉ có những bộ phim viễn tưởng, như súng laser có khả năng bắn hạ máy bay không người lái và súng điện phóng đầu đạn với tốc độ siêu thanh sẽ được hải quân Mỹ triển khai từ cuối năm nay.

Theo hãng tin AP, từ cuối năm nay hải quân Mỹ sẽ lắp đặt khẩu súng laser đầu tiên trên một chiếc tàu chiến. Ngoài ra họ còn có kế hoạch lắp một mẫu súng phóng đầu đạn bằng điện từ cho một chiến hạm trong vòng 2 năm tới.
 

Súng laser đã được hải quân Mỹ thử nghiệm bắn hạ máy bay không người lái
Súng laser đã được hải quân Mỹ thử nghiệm bắn hạ máy bay không người lái


Đối với hải quân Mỹ, điều đáng chú ý nhất không phải ở yếu tố công nghệ, mà ở tính kinh tế của những vũ khí này. Cả hai loại trên đều chỉ tiêu tốn một phần nhỏ so với các loại tên lửa hay bom thông minh, trong khi chúng có thể được bắn liên tục, còn bom hay tên lửa lại chỉ có giới hạn về số lượng.

“Nó về cơ bản sẽ thay đổi cách chúng ta chiến đấu”, đại úy Mike Ziv, giám đốc chương trình các hệ thống vũ khí điện và năng lượng được điều hướng, thuộc Bộ chỉ huy các hệ thống biển của hải quân Mỹ khẳng định.

Công nghệ laser của hải quân Mỹ đã tiến triển tới mức một phiên bản thử nghiệm có thể được triển khai trên tàu USS Ponce trong mùa Hè này, và chỉ cần một thủy thủ điều khiển, ông Ziv khẳng định.

Hệ thống vũ khí laser thể rắn này được thiết kế để nhắm tới cái mà hải quân miêu tả là “những mối đe dọa bất đối xứng”. Những mối đe dọa này bao gồm các thiết bị không người lái trên không, xuồng cao tốc, đám đông tàu bè, tất cả các mối đe dọa tiềm tàng đối với các chiến hạm tại vịnh Ba Tư, nơi chiến hạm Ponce dự kiến được triển khai.

Hiện đại nhưng… rất hại điện

Súng phóng đầu đạn điện từ, từng được thử nghiệm trên bộ tại bang Virginia, bắn đi một đầu đạn với vận tốc gấp 5-6 lần tốc độ âm thanh - đủ để gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Hải quân Mỹ xem đây như một loại vũ khí thay thế hoặc bổ sung cho các loại súng truyền thống, có thể bắn đi những đầu đạn chết người từ khoảng cách xa.

Tuy nhiên cả hai hệ thống đều có những nhược điểm.
 

Súng phóng đầu đạn sử dụng điện từ sẽ rất tốn điện
Súng phóng đầu đạn sử dụng điện từ sẽ rất tốn điện


Laser thường có xu hưởng trở nên kém hiệu quả khi trời mưa, không khí có nhiều bụi hoặc có sự nhiễu động trong không khí. Trong khi đó súng điện từ đòi hỏi phải tiêu tốn một lượng điện khổng lồ để phóng đầu đạn, Loren Thompson nhà phân tích quân sự tại Viện Lexington nói.

“Hải quân nói rằng họ đã tìm ra cách để giải quyết các khó khăn khi sử dụng laser trong thời tiết xấu, nhưng hầu như chắc chắn tầm bắn của vũ khí này sẽ bị hạn chế bởi mây, bụi hoặc mưa”, ông Thompson khẳng định.

Việc cung cấp đủ năng lượng cho một khẩu súng điện từ cũng là một thách thức nữa.

Tàu khu trục mới nhất của hải quân Mỹ Zumwalt, hiện đang được đóng tại bang Maine, là chiếc tàu duy nhất cung cấp đủ điện cho một khẩu súng như vậy. Con tàu tàng hình hoạt động bằng các máy phát điện tua bin khí này có thể tạo ra tới 74 MW điện. Lượng điện này đủ cho cả một thành phố quy mô trung bình, và thừa khả năng cấp điện cho một súng điện từ.

Công nghệ từ 3 con tàu Zumwalt trong loạt DDG-1000 có khả năng sẽ trở thành tương lai của các tàu chiến, đại uý James Downey, giám đốc chương trình khẳng định.

Các kỹ sư hiện cũng đang nghiên cứu một hệ thống pin có thể tích đủ năng lượng để vận hành một khẩu súng điện từ trên các chiến hạm hiện có.
 

 Chiến hạm Zumwalt được tin rằng sẽ mang loại vũ khí mới nhất của hải quân Mỹ
Chiến hạm Zumwalt được tin rằng sẽ mang loại vũ khí mới nhất của hải quân Mỹ


Cả hai hệ thống vũ khí này đều được đánh gia cao bởi chúng giúp “vượt trên đường cong chi phí”, Ziv khẳng định. Nói cách khác các hệ thống vũ khí này đều có chi phí thấp.

Đơn cử mỗi tên lửa đánh chặn được trang bị trên một tàu chiến Mỹ có chi phí ít nhất 1 triệu USD, khiến việc bảo vệ tàu trong các môi trường thù địch, trong đó đối phương sử dụng máy bay, máy bay không người lái, đạn pháo, tên lửa hành trình bị trở ngại về mặt chi phí, Thompson nói.

Với một khẩu súng laser hoạt động trên nguồn điện 30 kW - thậm chí có thể cao gấp 3 lần trong tương lai - chi phí cho mỗi lần khai hỏa chỉ vài USD, chuyên gia này phân tích.

Cũng giống như trong các bộ phim, một khẩu súng laser của hải quân Mỹ sẽ bắn tia năng lượng đủ để đốt cháy một mục tiêu, hoặc làm cháy các thiết bị điện tử nhạy cảm. Chỉ có điều là khác với phim ảnh, mắt thường sẽ không quan sát thấy tia năng lượng này.

Hệ thống ngắm sẽ khóa mục tiêu, bắn đi một tia năng lượng rất nóng. “Bạn chỉ thấy hiệu quả trên mục tiêu mà không nhìn thấy một tia thực sự”, Ziv khẳng định.
 

Theo Thanh Tùng/Dân Trí

 


.