Quân đội Mỹ muốn chinh phục sấm và sét

08:07, 26/07/2013
.

Cơ quan tình báo Mỹ quan tâm đến khả năng điều khiển khí hậu của trái đất. Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã thực hiện cuộc nghiên cứu tương ứng theo đơn đặt hàng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Người ta bắt đầu lo ngại rằng, Mỹ muốn có trong tay loại vũ khí tấn công điều khiển thời tiết.

Trong thời gian hai năm, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu khả năng của con người tác động tới điều kiện thời tiết. Nội dung của cuộc nghiên cứu có vẻ khá vô hại. Tuy nhiên, đề án này đã được tài trợ từ CIA, vì thế có cơ sở để cho rằng, trên thực tế, Mỹ muốn phát triển vũ khí thời tiết. Hiện chưa rõ giả định này là hợp lý hay không. Tuy nhiên, thực tế được biết là giới quân sự của một số nước đã từ lâu mơ ước về vũ khí thời tiết. Sau đây là ý kiến của chuyên viên Aleksandr Sharavin, Giám đốc Học viện phân tích chính trị và quân sự:
 

Photо: EPA
Photо: EPA

 

“Tất cả các quốc gia hàng đầu trên thế giới đã bắt đầu quan tâm đến vũ khí thời tiết hơn 50 năm trước đây. Các nước có những thành tựu khác nhau trong lĩnh vực này. Chúng ta biết đến một số trường hợp ảnh hưởng từ bên ngoài đến khí hậu. Nhưng, vấn đề không phải là liệu chúng ta có thể hoặc không thể ảnh hưởng đến khí hậu, mà là những hậu quả của hành động đó. Điều khó khăn nhất là dự đoán kết quả. Vì vậy, theo ý kiến của tôi, chúng ta không thể gọi tất cả những gì đang được thực hiện trong lĩnh vực này là một loại vũ khí mới. Do đó, khoản chi phí mà Chính phủ Mỹ cấp cho các cuộc nghiên cứu trong lĩnh vực này là rất nhỏ. Ở đây nói về mấy trăm nghìn dollar. Tất nhiên, đây là khoản tiền ít ỏi đến kỳ quặc để phát triển loại vũ khí mới”.

Trong khi đó, như được biết, đã có trường hợp Hoa Kỳ tác động đến thời tiết để đạt được thành công quân sự. Điều này đã xảy ra trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Khi đó, Mỹ đã thực hiện chiến dịch “Popeye” (Rau Bina). Trong chiến dịch này các máy bay Mỹ đã phun bạc iođua. Kết quả là, lượng mưa đã tăng lên gấp ba lần, và thời gian mùa mưa kéo dài gấp 1,5 lần. Hành động đó biến các đường mòn biến thành đầm lầy, bằng cách này ngăn chặn khả năng cấp vũ khí và đạn dược cho du kích ở miền Nam.

Tuy nhiên, khi đó Mỹ đã thấy rõ rằng, phương pháp này là rất tốn kém, và kết quả của nó không kéo dài được lâu. Nhưng, kể từ đó, mọi người vẫn cho rằng, Hoa Kỳ có khả năng gây thiệt hại cho khí hậu của các nước thù địch. Chẳng hạn, tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tuyên bố rằng, kẻ thù của nước Cộng hòa Hồi giáo đã gây ra nạn hạn hán. Và trước đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã cáo buộc Hoa Kỳ có dính líu vào những trận động đất ở Trung Quốc và Haiti năm 2010.

Còn ở Nga, người ta đã đổ lỗi lên trạm Mỹ HAARP vì cái nóng bất thường. Chuyên viên Aleksey Kokorin, Giám đốc Trung tâm các chương trình môi trường của Quỹ động vật hoang dã (WWF) cho biết: “Trạm HAARP ở Alaska là rất nổi tiếng, nó hoạt động như lò vi sóng khổng lồ. Vào mùa hè năm 2010, khi ở Matxcơva đã có cơn nóng khủng khiếp, đã xuất hiện tin đồn - "đó là do lỗi của trạm HAARP". Về nguyên tắc, trạm như vậy có khả năng đục lỗ trong đám mây ngay từ khoảng cách rất xa. Mặt khác, khi đó ở Matxcơva đã không ghi nhận hiện tượng như vậy”.

Trạm HAARP không phải là đề án độc đáo. Các trạm tương tự đang làm việc ở những nước khác, kể cả trên lãnh thổ Nga ở khu vực Nizhny Novgorod. Sự khác biệt duy nhất là hầu hết các dữ liệu từ HAARP đều giữ bí mật, và tham gia đề án này có Hải quân Hoa Kỳ. Có lẽ, chính vì thực tế này, người ta bắt đầu bi kịch hóa vấn đề HAARP. Song, gần đây, trạm này đã bị đóng cửa vì trong ngân sách Hoa Kỳ không có tiền để tiếp tục các công việc này.

 

Theo Tiếng nói nước Nga


.