Sát thủ diệt lá chắn tên lửa của Nga khiến Mỹ hoảng?

01:06, 08/06/2013
.

Các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ không phải là đối thủ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Nga. Đây là tuyên bố vừa được một quan chức cấp cao Nga đưa ra ngày hôm qua (7/6).
 

   Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Nga.
Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Nga.



Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin – người chịu trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đã lên tiếng ca ngợi vụ thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất do Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga vừa tiến hành hôm 6/6. Ông này đã ví loại tên lửa mới là “sát thủ diệt lá chắn tên lửa”.
 
“Chẳng có hệ thống lá chắn tên lửa nào của Mỹ hiện tại và trong tương lai có thể ngăn chặn được tên lửa của chúng tôi tấn công và hủy diệt mục tiêu”, ông Rogozin tuyên bố đầy tự tin trong một sự kiện do Đảng Nước Nga thống nhất tổ chức.
 
Trước đó, theo thông tin được cung cấp từ Bộ Quốc phòng Nga, Lực lượng Tên lửa Chiến lược nước này đã phóng thử nguyên mẫu của một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoàn toàn mới. Vụ thử được tiến hành lúc khoảng 09h45 chiều 6/6 theo giờ Moscow (tức 0h45 theo giờ Hà Nội) từ bãi thử Kapustin Yar ở khu vực Astrakhan. Tên lửa đã được bắn đi từ một bệ phóng di động.
 
Trong khi Phó Thủ tướng Rogozin tỏ ra rất tự hào về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Nga thì Bộ Quốc phòng nước này lại thể hiện thái độ khiêm tốn hơn khi đưa ra đánh giá về vụ thử loại tên lửa đó.
 
“Vụ thử đã được tiến hành thành công bởi đầu đạn mô hình đã bắn trúng mục tiêu giả định trong thời gian quy định”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Moscow từ lâu đã luôn cảm thấy khó chịu và bất an trước việc Mỹ có kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu. Washington khẳng định, hệ thống đó là nhằm để ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran nhưng Moscow không tin vào lời khẳng định đó. Nga cho rằng, hệ thống lá chắn tên lửa đó là nhằm vào họ. Sự nghi ngờ của Moscow càng tăng lên sau khi Washington nhất quyết không chịu cam kết bằng văn bản có tính ràng buộc về việc lá chắn tên lửa của họ ở Châu Âu không nhằm chống lại Nga.
 
Vấn đề lá chắn tên lửa đã trở thành một trong những cái dằm khó chịu nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc Nga, Mỹ. Moscow từng nhiều lần đe dọa sẽ “tung” các loại vũ khí có thể vô hiệu hóa lá chắn tên lửa Mỹ.
 
Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Lisbon năm 2010, Nga và NATO đã chính thức đồng ý hợp tác với nhau trong kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó thất bại vì những mâu thuẫn không thể dàn xếp giữa hai bên. Nga muốn thống nhất hệ thống lá chắn tên lửa của họ với NATO vào làm một trong khi phía liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương chỉ muốn có sự phối hợp giữa hai hệ thống này. Ngoài ra, Moscow khăng khăng muốn có sự đảm bảo có tính pháp lý về việc lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu không nhằm vào họ nhưng Washington từ chối thực hiện yêu cầu này.
 
Hồi giữa tháng 3 vừa rồi, Mỹ bất ngờ thông báo điều chỉnh kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Châu Âu. Cụ thể, nước này sẽ không dựng các tên lửa đánh chặn SM-3 IIB ở Ba Lan vào năm 2022 như kế hoạch trước đó nữa.
 
Các quan chức Nga đã phản ứng lại bằng cách tuyên bố, điều đó chẳng làm giảm được nỗi quan ngại của họ về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Moscow tiếp tục nhắc lại yêu cầu về một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý trong đó khẳng định các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga không phải là mục tiêu của lá chắn tên lửa Mỹ.
 
Mặc dù các nhà phân tích nhanh chóng cho rằng, sự thay đổi của Mỹ là một bước nhân nhượng đối với Nga, có thể là nhằm để dọn đường cho các cuộc đàm phán song phương tiếp theo về cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhưng các quan chức Mỹ thẳng thừng bác bỏ nhận định này.
 
Phát biểu sau một cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Ba Lan hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, nước này vẫn tiếp tục giữ vững cam kết về việc thiết lập một bộ phận của hệ thống lá chắn tên lửa ở trên lãnh thổ Ba Lan.
 
“Chúng tôi vẫn đang trên đường triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan vào năm 2018 như một phần của kế hoạch tiếp cận hiện đại của NATO đối với an ninh của chúng ta”, ông Kerry nói.




Theo Kiệt Linh/VnMedia


.