Bóng chuyền Việt Nam quyết tâm cải thiện thành tích

04:05, 04/05/2020
.
Những năm gần đây, thành tích của các đội tuyển bóng chuyền Việt Nam đều chưa đạt được như kỳ vọng, mặc dù cả hai đội tuyển (nam và nữ) đều được đánh giá cao tại các giải đấu lớn ở khu vực Đông Nam Á. Để cải thiện thành tích và hướng đến mục tiêu xa hơn, việc tìm bằng được huấn luyện viên ngoại cho các đội tuyển là nhiệm vụ cấp bách đối với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
 
Một trận đấu của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia (áo đỏ).
Một trận đấu của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia (áo đỏ).
Năm 2019, cả hai đội tuyển quốc gia bóng chuyền nam và nữ Việt Nam thi đấu không thành công ở các giải đấu quốc tế. Trong khi đó, các đối thủ ở khu vực và châu lục đã có sự đầu tư rất lớn về lực lượng và phát triển mạnh về chuyên môn.
 
Nhìn lại thành tích thi đấu trong năm 2019, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam không mấy thành công dù đánh bại đội tuyển Thái Lan tại Giải Bóng chuyền U23 châu Á để giành được tấm Huy chương đồng. Tiếp theo là thất bại tại Giải Bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2019. Thành tích nổi nhất của bóng chuyền nữ trong năm qua là tấm Huy chương bạc tại SEA Games 30.
 
Còn đội tuyển bóng chuyền nam đã có một năm thi đấu “bết bát” khi thua cả 3 trận ở vòng bảng SEA Games 30 trước Indonesia, Philippines, Campuchia. Thất bại này không những làm tan giấc mộng huy chương của đội tuyển bóng chuyền nam tại SEA Games 30 mà còn lộ ra một số điểm yếu trong thi đấu của đội tuyển.
 
Các chuyên gia nhận định, chất lượng cầu thủ ở từng vị trí của đội tuyển bóng chuyền quốc gia khá cao, do đó Việt Nam luôn là ứng viên chức vô địch tại các giải đấu trong khu vực. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, bóng chuyền Việt Nam chỉ dừng lại ở vị trí thứ nhì và ba tại các kỳ SEA Games. Vì vậy, để nâng tầm bóng chuyền Việt Nam, hướng đến mục tiêu xa hơn, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ, không chỉ ở chất lượng các cầu thủ, mà còn ở cả khâu huấn luyện.
 
Cũng giống như bóng đá, thành tích của đội tuyển Việt Nam tại các giải bóng đá châu lục, như U23 châu Á, AFF Cup hay ở ASIAD sẽ rất mờ nhạt, nếu không có sự xuất hiện của huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo. Điều đó cho thấy vai trò của người “thuyền trưởng” giỏi, luôn chèo lái con thuyền đi đúng hướng là rất cần thiết. Đáng nói, không dễ tìm được một huấn luyện viên có tài và mang đến thành công cho đội tuyển.
 
Về vấn đề này, ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chia sẻ, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã thống nhất thuê bằng được chuyên gia ngoại cho bóng chuyền Việt Nam. Như vậy, chắc chắn trong thời gian tới hai đội tuyển sẽ do huấn luyện viên nước ngoài dẫn dắt. “Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã đề nghị Liên đoàn Bóng chuyền châu Á, Liên đoàn Bóng chuyền thế giới hỗ trợ tìm huấn luyện viên cho cả đội tuyển bóng chuyền nam và nữ. Trên cơ sở hồ sơ mà các ứng viên gửi về, chúng tôi sẽ chọn ra người phù hợp nhất huấn luyện cho các đội tuyển bóng chuyền quốc gia Việt Nam”, ông Lê Trí Trường bày tỏ.
 
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - thể thao Trần Ðức Phấn nhận định, nếu tìm được huấn luyện viên ngoại có năng lực và trình độ cao sẽ giúp bóng chuyền Việt Nam tiếp cận được trình độ của những nền bóng chuyền phát triển trên thế giới. “Thời gian qua, bóng chuyền Việt Nam có nhiều thay đổi, từ việc chuẩn hóa hệ thống giải đấu, hoàn thiện quy chế chuyển nhượng, tạo điều kiện cho vận động viên đi thi đấu nước ngoài. Hy vọng, sự góp mặt của các chuyên gia và cầu thủ nước ngoài trong thời gian tới sẽ cải thiện trình độ bóng chuyền Việt Nam như đội tuyển bóng đá hay bóng rổ Việt Nam đã làm được trong hơn 1 năm qua”.
 
Theo Hà Nội mới

.