Ai là "cha đẻ" của thẻ vàng, thẻ đỏ trong bóng đá?

08:04, 09/04/2020
.
Trước khi thẻ vàng, thẻ đỏ ra đời, các trọng tài phải rất vất vả để điều hành trận đấu. Vì vậy, không hề nói quá khi nhận định những chiếc thẻ là một phát minh vĩ đại của môn bóng đá. 
Trọng tài Horacio Elizondo rút thẻ đỏ với Zidane trong trận chung kết World Cup 2006 - Ảnh: DPA
Trọng tài Horacio Elizondo rút thẻ đỏ với Zidane trong trận chung kết World Cup 2006 - Ảnh: DPA
Cựu trọng tài người Anh Ken Aston (1915 - 2001) là "cha đẻ" của thẻ vàng và thẻ đỏ. Có lẽ nếu không có phát minh của Ken Aston, Zidane chưa chắc đã chịu rời sân theo yêu cầu từ trọng tài Horacio Elizondo vì lỗi húc đầu vào ngực Materazzi trong trận chung kết World Cup 2006.
 
"Mời" cầu thủ rời sân
 
Trước World Cup 1970, chuyện điều hành trận đấu không hề dễ dàng với các trọng tài, đặc biệt khi họ muốn truất quyền thi đấu cầu thủ nào đó. Hai trận đấu là ví dụ điển hình diễn ra tại World Cup 1962 tại Chile và World Cup 1966 tại Anh.
 
Cuộc đối đầu giữa Chile và Ý ở World Cup 1962 cho đến nay vẫn được mệnh danh là trận đấu bạo lực nhất các kỳ World Cup. Bạo lực tới nỗi cú đạp của Nigel De Jong vào ngực Xabi Alonso trong trận chung kết năm 2010 không thể nào sánh bằng những màn "thi triển" võ nghệ của cầu thủ Chile và Ý.
 
Ken Aston được giao nhiệm vụ điều hành trận đấu. Trong khi các cầu thủ hai đội lần lượt ra đòn, thì "vũ khí" duy nhất của Aston chỉ là... lời nói. Vì vậy mới có chuyện ông phải có những lần "mời" Giorgio Ferreri của Ý và Mario David (Chile) rời sân. 
Trọng tài Ken Aston điều hành trận Chile - Ý ở World Cup 1962 mà không có chiếc thẻ nào - Ảnh: GETTY IMAGES
Trọng tài Ken Aston điều hành trận Chile - Ý ở World Cup 1962 mà không có chiếc thẻ nào - Ảnh: GETTY IMAGES
Trong lúc nóng tính cộng thêm bất đồng ngôn ngữ, hai cầu thủ này không hiểu nổi thông điệp từ trọng tài Aston. Họ dùng dằng trên sân khiến trận đấu mất nhiều thời gian đến nỗi lực lượng an ninh phải can thiệp.
 
Bốn năm sau, Ken Aston được chọn làm trưởng ban trọng tài của World Cup 1966. Lần này, ông lại chứng kiến một sự cố khác khi chủ nhà Anh gặp Argentina tại tứ kết.
 
Trọng tài người Đức Rudolf Kreitlein muốn trút quyền thi đấu Antonio Rattin bên phía Argentina, nhưng cầu thủ này tỏ thái độ từ chối. Ngoài ra, báo cáo trận đấu còn nói ông Kreitlein cũng đã phạt cảnh cáo anh em Bobby và Jack Charlton (Anh), nhưng phải tới hôm sau, cả hai mới biết nhờ... đọc báo.
 
Ý tưởng từ đèn giao thông
Ông Ken Aston - người phát minh ra những chiếc thẻ - Ảnh: TL
Ông Ken Aston - người phát minh ra những chiếc thẻ - Ảnh: TL
Những sự hiểu lầm đầy rắc rối này rốt cục đã khiến Ken Aston phải hành động nhằm tìm giải pháp. Nhưng khi chưa nghĩ ra gì thì ý tưởng về những chiếc thẻ lại đến một cách hết sức tình cờ. Trong một lần lái xe, ông dừng tại một ngã tư chờ đèn đỏ.
 
"Khi nhìn thấy cột đèn tín hiệu giao thông, mọi thứ hiện ra với tôi. Vàng: cảnh cáo và nhẹ nhàng, đỏ: chấm hết, rời sân", ông Ken Aston từng chia sẻ trên trang chủ của FIFA.
 
Lại có chuyện kể rằng vợ ông, bà Hilda cũng góp công trong việc sáng tạo những chiếc thẻ. Sau khi về nhà, Ken Aston trình bày ý tưởng với vợ nhưng chưa biết làm thế nào. 
 
Bà Hilda bỏ đi rồi quay lại với hai tờ giấy màu đỏ và vàng cùng một chiếc kéo. Bà cắt nhỏ hai tờ giấy thành những mẫu hình chữ nhật, vừa đủ để cho vào túi áo. Và thế là thẻ vàng và thẻ đỏ được ra đời. 
Những chiếc thẻ như biểu tượng về quyền lực của các trọng tài - Ảnh: PREMIER LEAGUE
Những chiếc thẻ như biểu tượng về quyền lực của các trọng tài - Ảnh: PREMIER LEAGUE
Phát minh về những chiếc thẻ của Aston lập tức được FIFA ủng hộ. Tại kỳ World Cup 1970, thẻ vàng và thẻ đỏ được lần đầu tiên được áp dụng trong bóng đá. 
 
Đây được xem là một thành công lớn bởi nó giúp các mệnh lệnh của trọng tài rõ ràng hơn, đồng thời giải quyết rào cản về mặt ngôn ngữ. Những chiếc thẻ giống như một biểu hiện về quyền lực của các trọng tài.
 
Càng về sau, Ken Aston càng ít hợp tác với FIFA. Từ khoảng đầu những năm 1980 đến giữa 1990, ông chuyển hướng sang nước Mỹ khi giúp đào tạo trọng tài ở đây. Theo New York Times, ông còn giúp trẻ em tại Mỹ biết và chơi bóng đá nhiều hơn.
 
Ông qua đời vào ngày 23 tháng 10 năm 2001 ở tuổi 86.
 
Những chiếc thẻ của Ken Aston có thể là một phát minh đơn giản, nhưng đã giải quyết được rất nhiều rắc rối trên sân cỏ.
 
Dùng trong nhiều môn khác
 
Không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao khác cũng áp dụng thẻ vàng và thẻ đỏ trong thi đấu. Một số môn có thể kể đến như điền kinh, bóng chuyền, bóng bầu dục (rugby), bóng nước,...
 
Theo tạp chí về lịch sử, khoa học Smithsonian, những môn này cũng sử dụng ý tưởng của Ken Aston. Về luật lệ có thể khác nhau tùy theo môn, nhưng điểm chung vẫn là để phạt các VĐV hành vi vi phạm trong thi đấu.
 

 

Theo ĐỨC KHUÊ /Tuổi Trẻ Online

.