Nghị lực của một vận động viên khuyết tật

09:04, 29/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Tôi tên Như Phi, có nghĩa là “như chạy”. Bởi vậy, cái nghiệp điền kinh nó đã gắn vào người tôi. Mà ngót nghét cũng được 20 năm rồi”, ông Trần Như Phi - vận động viên điền kinh khuyết tật duy nhất ở Quảng Ngãi bộc bạch.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi gặp ông Trần Như Phi (54 tuổi) đúng vào dịp ông đang gấp rút luyện tập để chuẩn bị cho Giải thi đấu thể thao Người khuyết tật toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 5 tới. Từ căn nhà nhỏ bên góc đường Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi)đến Sân vận động tỉnh khoảng 5km. Ấy vậy mà đều đặn mỗi ngày, từ 5 giờ sáng ông Phi đã có mặt trên sân để luyện tập.

Chạy để chiến thắng nghịch cảnh

Tranh thủ phút nghỉ giải lao, ông Trần Như Phi kể lại câu chuyện về “cơ duyên” mà ông đến với môn điền kinh. Ông Phi sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng tính ông khá nghịch ngợm. Năm lên 9 tuổi, ông Phi bị ngã khi leo lên cây chơi làm cánh tay phải bị gãy. “Hồi đó, việc chữa trị không được nhanh chóng như bây giờ. Tôi được gia đình đưa đến bệnh viện, nhưng vì nằm chờ quá lâu nên cánh tay bị hoại tử, phải cưa hết cả cánh tay”, ông Phi nhớ lại.

Ông Trần Như Phi cùng những tấm huy chương của mình.
Ông Trần Như Phi cùng những tấm huy chương của mình.


Không có cánh tay phải, ông Phi làm việc gì cũng khó. Nhưng rồi, nghị lực đã giúp chàng trai trẻ vượt qua mọi khó khăn. Ông Phi luyện viết bằng tay trái, rồi tốt nghiệp cấp III, đáng tiếc là không nơi nào nhận vào học nghề. Không có việc làm ổn định, ông Phi bèn nhờ người “cải tạo” lại phần tay ga của chiếc xe Cup 81 sang bên tay trái, từ đó chiếc xe là phương tiện kiếm sống của người thanh niên bất hạnh.

Hằng ngày, chàng trai khuyết tật này làm nghề xe ôm, chiều đến lại cùng bạn bè trong xóm lập đội đá bóng để rèn luyện sức khỏe. Ông Phi cười nói: “Tôi mê đá bóng  lắm. Bạn bè thấy mình tàn tật, lúc đầu còn e dè không muốn cho tham gia, nhưng rồi họ thấy mình nhiệt tình, chạy cũng hăng, nên dần dần cũng chấp nhận cả”.

Rồi một ngày, ông Huỳnh Thành - vận động viên khuyết tật môn bóng bàn gợi ý: “Hay chú tham gia thi điền kinh nhé”. Vậy là, ở tuổi 38, ông Phi trở thành vận động viên điền kinh khuyết tật duy nhất ở Quảng Ngãi cho đến nay.

Năm đầu tiên tham gia thi đấu giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc, ông Phi đoạt huy chương đồng ở cự ly chạy 100m. Những năm tiếp theo, thành tích của ông tiếp tục được nâng lên. Năm 2006, ông đoạt huy chương vàng ở cự ly chạy 100m; đồng thời đoạt luôn huy chương ở cả 2 cự ly  200m và 400m.

Căn nhà nhỏ của ông Phi giờ đã “dát vàng”, với những bảng thành tích treo trên tường. Qua 16 năm thi đấu, ông Phi đã đóng góp cho thể thao khuyết tật tỉnh nhà hơn 40 tấm huy chương các loại.

Mùa đông lạnh buốt, vậy mà ổng cũng thức dậy từ    4 - 5 giờ sáng để đi tập, về đến nhà thì quần áo ướt sũng. Đau ốm gì cũng cố gắng đi tập, không bỏ lỡ buổi tập nào”.

HỒ THỊ MẠNH, vợ ông Phi cho biết


Đằng sau những tấm huy chương

Gặt hái được nhiều thành tích cho thể thao người khuyết tật tỉnh nhà, song lại ít người biết đến những câu chuyện phía sau ánh hào quang của vận động viên điền kinh Trần Như Phi. Vinh quang có được của ông phải đánh đổi bằng rất nhiều giọt mồ hôi và nước mắt trên sân tập; đồng thời phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống gia đình để nuôi dưỡng đam mê thể thao.

Người bình thường theo nghiệp thể thao đã khó, đối với người mất cánh tay phải như ông Phi thì khó khăn gấp bội lần. “Ai cũng lầm tưởng, với môn điền kinh thì đôi chân quan trọng nhất, nhưng kỳ thực đôi tay cũng không kém phần quan trọng, bởi nó góp phần không nhỏ trong việc giữ thăng bằng và tạo ra quán tính để đẩy nhanh tốc độ. Mất một bên tay phải đồng nghĩa với việc phải điều chỉnh thăng bằng cho phù hợp và phải luyện tập phần thân dưới nhiều hơn để tăng thêm lực cho chân thì mới chạy nhanh được”, ông Phi giải thích.

Không có huấn luyện viên, ông Phi vừa là “thầy”, vừa là “trò”. Hầu hết những kỹ năng điền kinh ông Phi tự tìm hiểu, hoặc tích cóp từ việc cọ xát ở những giải đấu, đôi khi ông cũng "học lỏm" một chút từ các huấn luyện viên của Trường Năng khiếu Thể dục - Thể thao tỉnh khi cùng luyện tập trên sân vận động.

Chưa có năm nào ông Phi vắng mặt ở Giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc. Toàn tỉnh có 6 vận động viên khuyết tật tham gia giải, thì chỉ có duy nhất ông Phi thi đấu môn điền kinh. “Nghĩ lại nhiều lúc cũng tủi thân. Các môn thi đấu tổ chức ở các khu vực sân khác nhau, nên mỗi lần thi tôi đều phải đi một mình.

Mỗi lần ra sân đều phải nhờ người khác thắt giúp dây giày...”, ông Phi trải lòng. Không có huấn luyện viên, không có đồng đội, cũng không có người cổ vũ, một mình ông Phi vẫn miệt mài trên đường chạy để giành về những chiếc huy chương cho thể thao khuyết tật tỉnh nhà.

Bên cạnh nghiệp thể thao, thời gian còn lại ông Phi phải nỗ lực với công việc chạy xe ôm để lo cho cuộc sống gia đình. Không chỉ vậy, gần 3 năm nay ông còn làm Ủy viên Thường trực, kiêm thủ quỹ Hội Người Khuyết tật tỉnh, một công việc không lương. Khi chúng tôi hỏi lý do ông tham gia công tác hội khi mà công việc mưu sinh quá vất vả, ông Phi cười bảo: “Tôi chỉ muốn giúp đỡ cho những người khuyết tật cùng cảnh ngộ. Thế thôi”...

Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.