"Có thuốc nào chữa được quá khứ"

10:07, 14/07/2018
.
Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- “Chúng tôi sẽ sửa chữa cho quá khứ”. Người nói câu ấy là Luka Modric-nhạc trưởng của Croatia. Quá khứ ấy xảy ra năm 1998 tại Pháp, khi Croatia lọt vào bán kết và gặp chủ nhà Pháp. Hai bàn thắng của Liliam Thuram đã nhấn chìm Croatia trong tuyệt vọng.
 
Bây giờ, lần đầu tiên vào trận chung kết, đối thủ vẫn là Pháp, Modric muốn đội bóng hậu duệ của những Davor Suker sửa chữa lại quá khứ ấy. Quá khứ, dĩ nhiên, không bao giờ có thể sửa chữa được. Nhưng hiện tại thì có thể.
 

 

Vậy mà Giezmann của đội Pháp cũng nói một câu tương tự. Hai năm trước, ngay trên sân nhà, trong trận chung kết Euro. Chủ nhà Pháp đã thất bại trước Bồ Đào Nha khi Eder ghi bàn thắng duy nhất cho Bồ ở hiệp phụ. Trong khi Ronaldo lên tột đỉnh hạnh phúc, thì Griezmann chìm sâu vào đau khổ.

Bây giờ thì quyết không để quá khứ gần như thế lặp lại nữa.

Nhưng biết làm sao, hai đội bóng đều hay, hai ứng cử viên Quả bóng Vàng đều tuyệt vời, nhưng chiếc Cup thì chỉ có một.

Nếu Pháp đã khá thong dong trên đường tói gần chiếc Cup nhất, thì Croatia đã vất vả, thậm chí vật vã qua từng trận đấu để tới gần chiếc Cup cùng với Pháp. Thong dong hay vất vả không quan trọng bằng mục đích đã đạt tới. Bây giờ thì sòng phẳng trước cơ hội cuối cùng. 

Hãy bỏ qua những nhọc nhằn của Croatia, bỏ qua những phút thăng hoa của Pháp, trọng tài chính người Argentia-Nestor Pitana-đã hứa hẹn một sự công bằng ở mức cao nhất cho trận chung kết này. Là người bắt chính cả trận khai mạc và trận chung kết, trọng tài Pitana đã được FIFA tin tưởng gần như tuyệt đối. Vậy thì hãy để ông làm việc và phán quyết những tình huống trên sân. Dĩ nhiên, còn Goal-line và VAR giúp sức, nhưng hy vọng, đây sẽ là trận chung kết mang màu sắc cổ điển của bóng đá hiện đại.

Pháp có nhiều lợi thế trước Croatia, nhất là lợi thế về thể lực và sức trẻ. Nhưng ở trận chung kết, Croatia vẫn có thể chơi với 200%  sức lực, vì thế, chưa thể nói trước được điều gì. 

Tất cả đều cân bằng, từ khát vọng tới tài năng, từ may mắn tới rủi ro. Và có một trọng tài rất đáng tin cậy.

Nếu Pháp thường ghi được bàn thắng trước, thì Croatia lại thường xuyên lội ngược dòng với những bàn gỡ nhiều khi khó tưởng tượng. Lại thêm một điểm cân bằng.

Nếu cầu thủ Pháp có tốc độ xuyên phá cao, thì cầu thủ Croatia lại thường xuất hiện đúng lúc và đúng chỗ để ghi bàn. Sự nhạy cảm vị trí là một thế mạnh của cầu thủ Croatia, đã có từ thời Davor Suker. 

Pháp đã một lần thắng Croatia ở bán kết World Cup 1998, thì Ronaldo-đồng đội của Luka Modric tại Real Madrid- lại một lần khiến Pháp phải đau khổ ngay trên sân nhà tại Euro 2016. Những gì đã qua thật đáng nhớ, nhưng những gì đã qua lại cần phải quên ngay trước trận chung kết lịch sử này.

Nếu Pháp đã có 20 năm chờ đợi, thì với Croatia, đây là lần đầu tiên họ có cơ hội chạm tay vào chiếc Cup Vàng. Nghĩa là họ đã đợi chờ không biết bao nhiêu năm. 

Dĩ nhiên, ai chơi hay hơn sẽ thắng. Nhưng thế nào là hay hơn? Điều ấy không dễ phân định.

Vậy thì ai may hơn sẽ thắng. Nhưng biết thế nào là may, thế nào là rủi?

Bóng đá, như cuộc đời, chỉ nên tự trông cậy vào chính mình trong những giờ khắc quyết định.

Tôi thường đứng về phía những đối thủ “nhỏ” trong những trận quyết đấu. Nhưng biết ai là lớn, ai là nhỏ trong trận chung kết này ? 

Thôi thì hãy đứng về phía… trọng tài, mong ông bắt trận chung kết này thật bình tâm, thật công tâm, thật công bằng, thật tinh tế. Vậy đã.           

 

.