Cái chông chênh của bóng đá Nga

02:07, 08/07/2018
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Nếu mục đích của đội Nga là kéo trận đấu với Croatia về hiệp phụ và nhất là về chấm luân lưu 11m, thì họ đã đạt được. Cái đạt được khó khăn và may mắn vô cùng. Bởi nếu không có pha đánh đầu khó tin của hậu vệ cánh Fernandes ở phút bù giờ 115, thì coi như kế hoạch đá luân lưu của Nga tan vỡ.

Là đội kèo dưới, nhưng là đội chủ nhà, đội Nga đã không nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả nhà. Chỉ tới phút 115, khi bàn thắng của Fernandes đưa tỉ số về 2-2, khán giả Nga mới bừng tỉnh. Trước đó, tôi biết, họ đã coi như Nga đã thua cuộc, vì bàn thắng trong hiệp phụ là vô cùng khó khăn, nhất là bàn gỡ.

 

Croatia thắng Nga bằng loạt đá luân lưu
Croatia thắng Nga bằng loạt đá luân lưu


Đội Nga đã làm được điều khó khăn ấy.

Nhưng họ đã không đi được hết con đường ở chấm phạt đền.

Chính Fernandes, người hùng đưa Nga tới chấm phạt đền, đã có cú sút 11m “dở không chịu nổi”. Bóng chệch cột dọc tới 1/5 mét, khiến cả sân vận động Sochi ngỡ ngàng. Vì sao, trong trận gặp Tây Ban Nha, đội Nga sút phạt luân lưu hay như vậy, còn ở trận này, lại dở đến thế?

Cơ sự, nằm ở ý chí.
 
“Chỉ số ý chí” của đội Nga trong trận này đã xuống dưới mức cần thiết. Có hai cầu thủ đạt được chỉ số này là Ignashevich và Cheryshev, một người đá không tệ trong vai trung vệ, một người ghi bàn thắng xuất thần ở phút 31 trong vai tiền vệ công.

Ở trận này, Nga đã chủ động chơi 4 hậu vệ, không như ở trận gặp Tây Ban Nha chơi với 5 hậu vệ. Vì họ muốn tăng cường cho tuyến giữa, nơi Croatia tập trung rất nhiều cầu thủ đẳng cấp, thậm chí cả cầu thủ đẳng cấp thế giới.

Nhưng trong khi hàng tiền vệ Nga mất hút ở tuyến giữa, thì hàng hậu vệ Nga lại lỏng chân trong khâu phòng ngự. Khi hàng hậu vệ chơi thiếu lăn xả và kiên cường, thì hai bàn thua của Nga đều đến từ chính sự lơi lỏng và “non gan” của họ.

Croatia chơi bóng ở đẳng cấp cao hơn, nhưng họ chỉ thắng khi Nga “hạ chỉ số ý chí” của mình xuống. Nga đã vào tới tứ kết, nghĩa là đã quá thoải mái rồi, không chịu bất cứ áp lực nào hết, vì sao lại chơi thiếu ý chí như vậy?

Nếu không khắc phục được điểm yếu chết người này, bóng đá Nga và cầu thủ Nga rất khó hòa nhập với bóng đá đỉnh cao châu Âu và thế giới. Tôi thấy, chỉ có Cheryshev là người đã xóa được mặc cảm “bị cô lập” của mình để có thể chơi bóng một cách thoải mái, từ đó có những bàn thắng xuất thần. Đẳng cấp phải được xây dựng từ nhiều yếu tố, nhưng không bao giờ được bỏ quên yếu tố tinh thần, nghị lực, ý chí.

Đội Nga đã có lúc làm được điều này, nhưng ở trận đấu để có thể lần đầu tiên lọt vào bán kết World Cup, họ đã phải “dừng bước trước thiên đường”. Đúng là chỉ cách một bước, nhưng họ gục ngã.

Ai cũng nói, đá luân lưu là cuộc chơi may rủi. Nhưng phần rủi thường thuộc về đội bóng yếu hơn, không những yếu thể lực, mà yếu về ý chí. So thể lực giữa cầu thủ Nga và cầu thủ Croatia, thì Nga không kém hơn.


Nhưng phải chăng, họ đã kém về khát vọng? Ngay cổ động viên Nga cũng thiếu niềm tin và khát vọng với đội nhà, thì khó trách cầu thủ Nga có thể “bừng bừng khát vọng”.  
     
Tôi không tiếc vì trận thua này của đội Nga, mà lo cho những trận thua trong tương lai của bóng đá Nga. Để đưa một nền bóng đá đi lên, không chỉ cần nhiều tiền là đủ.   

Thôi thì, hãy “bán buồn mua vui” vậy, dù tương lai chưa thấy hứa hẹn gì.

 


.