CHUYỆN CÔNG NGHỆ

10:06, 17/06/2018
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Nhớ hồi năm 1966, trong trận chung kết World Cup giữa Anh và Tây Đức, khi đó tiền đạo Geoff Hurst của đội tuyển Anh cũng sút đập xà, bóng nảy ra, nhưng trọng tài vẫn công nhận bàn thắng. Anh nhờ đó thắng Tây Đức 4-2 để đăng quang.

Chắc chắn, nếu hồi đó đã có công nghệ Goal-line, thì người Anh sẽ ghét nhất công nghệ này. Còn bây giờ, thì người Pháp vô cùng cảm ơn công nghệ, nhờ nó, họ có trận thắng nhọc nhằn trước Úc. Cũng phải nói thật, là Pháp chơi trận này hơi bị…dở, dù Úc không phải đối thủ của họ.

 

 

Sau rất nhiều năm tranh cãi, tại World Cup này, lần đầu tiên công nghệ “video trọng tài”(VAR) và công nghệ “xác định bàn thắng”(Goal-line) chính thức được áp dụng. Và Pháp là đội đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ này. Trong cả hai bàn thắng, từ cú ngã của Griezmann trong vòng cấm tới pha bóng bật xà ngang chạm đất rồi bật ra ngoài, công nghệ đã đóng vai trò quyết định, chứ không phải trọng tài.

Với sự xác định cú phạt đền của VAR, thì nhiều chuyên gia tỏ ra không phục. Đó là một tình huống rất nhạy cảm. Trọng tài có thể phạm sai lầm chỗ này chỗ khác, nhưng trọng tài là con người, lại là con người đặc biệt trong lĩnh vực này, nên họ có sự nhạy cảm mà máy móc không thể có được.

VAR chỉ thấy cái chân hậu vệ “móc” vào chân Griezmann trong vòng cấm, thì xác định phạt đền, nhưng cú chuồi bóng của hậu vệ Úc chạm vào chân Griezmann ở mức độ nào, vô tình hay cố ý, thì máy không nói được. Nhưng khi máy đã “phán”, thì trọng tài rất khó quyết định khác.    

Với Goal-line xác nhận bàn thắng của đội Pháp, không ai có ý kiến gì, có lẽ vì nó quá rõ. 

Nếu Pháp cảm ơn công nghệ, thì Argentina biết cảm ơn ai ? 

Chẳng lẽ, lại cảm ơn cú đá phạt đền hỏng của Messi? Trước một đội Iceland biết tổ chức vận động một cách hợp lý đến kỳ lạ, quả thật Argentina rất khó đá. Lối chơi phòng ngự phản công chủ động cộng với khả năng “chạy” trên sân siêu việt của cầu thủ Iceland, đã khiến đội bóng này tạo được một nhịp điệu “tụ và tán” mà không phải đội bóng nào cũng làm được. Họ không chơi như một đội bóng yếu, mà chơi như một võ sĩ biết lượng sức mình, lúc nào tập trung phòng ngự, lúc nào tung rất nhanh những chùm đòn khiến đối thủ bối rối. 

Đúng là trong hiện tại, Messi không bằng Ronaldo, vì ở đội Bồ Đào Nha, Ronaldo hoàn toàn quyết định lối chơi, còn ở Argentina thì Messi chưa thể làm được chuyện đó. Messi đã làm đúng khi lùi về kiến thiết bóng cho đồng đội, rồi sau này mới dâng lên trực tiếp tấn công. Nhưng những miếng đánh phối hợp của Argentina phức tạp quá, lại đánh thẳng vào trung lộ, phải xuyên qua ba tầng phòng ngự của Iceland, nên rất khó có hiệu quả.

Cầu thủ Iceland quá cao lớn, khống chế không gian rất tốt, nên chuyện tạt cánh đánh đầu gần như không thể với Argentina. Vì thế, lối chơi của Messi và đồng đội trông có vẻ phức tạp, thực ra lại đơn điệu, vì nó thiếu nhiều giải pháp khác nhau.

Vậy, cuối cùng Argentina phải cảm ơn ai? Tôi nghĩ, họ phải cảm ơn… Iceland và HLV Hallgrimsson, tác giả của một lối chơi mới mẻ. Argentina sẽ rút được rất nhiều kinh nghiệm từ trận đấu này. Hòa một trận, chưa phải là thảm họa.  

 

.