Bài học của tôi từ 24 năm trước

10:06, 15/06/2018
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Vào tầm này 24 năm về trước World Cup được tổ chức tại Mỹ. Cho tới lúc đó, tôi chưa hề biết gì về chuyện viết bình luận bóng đá. Chỉ biết xem bóng đá, và yêu thích, thế thôi. Có thể tôi chỉ mãi mãi là như thế, viết được mấy bài thơ về bóng đá, và… hết. Nếu không có một người, chẳng biết cố ý hay tình cờ, đã chọn tôi.

 

 Nhà báo Chánh Trinh
Nhà báo Chánh Trinh


Chánh Trinh là một nhà báo lão luyện và đa năng. Nhưng khi chuyển sang viết bóng đá và làm báo về bóng đá, ông như bị thu hút hết mình vào lĩnh vực này. Có rất nhiều người yêu bóng đá. Có nhiều nhà báo thể thao viết hay về bóng đá. Nhưng vừa yêu bóng đá, vừa tổ chức làm báo về bóng đá, vừa viết bình luận hay về bóng đá, thì tôi thấy chỉ có Chánh Trinh.

Ông lại có khả năng lan tỏa nhiệt huyết bóng đá của mình tới những nhà báo khác, rủ rê họ cùng “nhập kênh” làm báo bóng đá với mình.

Tôi là người may mắn được Chánh Trinh “rủ” viết bình luận bóng đá, từ khi tôi chưa viết một bài bình luận nào về môn thể thao này. Nhưng khi Chánh Trinh, lúc ấy làm thư ký tòa soạn báo Lao động Chủ nhật, in cho tôi bài thơ “Số 7”, hình như ông đã “chấm” tôi, hay sao đó, cho nghề viết bình luận bóng đá.

Năm 1994, World Cup diễn ra tại Mỹ. Trước giờ bóng lăn, đột ngột Chánh Trinh gọi điện thoại cho tôi (lúc ấy chỉ có điện thoại bàn) và mời tôi tham gia viết bài cho tờ “Tin nhanh World Cup” của báo Lao động mà Chánh Trinh là “chủ biên”. Ông nói, tôi muốn viết kiểu gì cũng được, cứ tự do thể hiện.

Thế là tôi viết những bài báo bóng đá đầu tiên trong đời mình, hoàn toàn theo cảm xúc, nửa văn xuôi nửa thơ. Đó là kiểu “bình luận bóng đá” không giống ai, nhưng Chánh Trinh thích. Ông khen tôi, và nói cứ thoải mái viết, ông sẽ in hết. Tôi phấn khởi quá, tràn lên viết. Và cuối mùa World Cup năm ấy, tự nhiên tôi thành nhà báo viết bình luận bóng đá hồi nào không hay.

Chỉ bằng một câu nói, một lời cổ vũ ấm áp, Chánh Trinh đã tạo nên một người viết bình luận bóng đá không đến nỗi nào. Tôi mang ơn ông.

Bây giờ người ta hay nói “truyền cảm hứng”, tôi không biết truyền cảm hứng là thế nào, nhưng nghĩ lại, hình như nhà báo lớn Chánh Trinh đã truyền cảm hứng viết bình luận bóng đá cho tôi, và tôi tiếp nhận được hoàn toàn nhiệt hứng ấy, cùng với sự động viên mà ông giành cho mình.

Đó là một cơ duyên trong cuộc đời tôi, và tôi đã không bỏ lỡ.

Năm nay, mùa World Cup lại về, ngày khai mạc lại chỉ cách ngày Báo chí Việt Nam đúng một tuần, chợt nhớ 24 năm trước, tôi đã được Chánh Trinh “chọn” để bồi dưỡng thành một cây bút viết bình luận bóng đá. Đó cũng là một cột mốc đánh dấu ngày tôi chính thức trở lại với nghề báo, sau nhiều năm xa cách. Cứ như chuyện tình cờ, mà ngẫm ra, hình như không phải vậy. Trưa nay, tôi vừa viết những dòng này, vừa rưng rưng nhớ Chánh Trinh./.    
      


.