V-League nhạt nhòa cuộc đua vô địch và sự thờ ơ của người hâm mộ

06:10, 03/10/2017
.

Giải còn 6 vòng, nhưng gần như đã xác định đội sẽ rớt hạng, đó là Long An. Chính vì việc xác định đội rớt hạng quá sớm mà phần đông các đội bóng khác không còn động lực cụ thể. Mà với người xem, không tìm thấy động lực nơi các đội tham gia giải, họ đến sân làm gì?


Đấy cũng là một trong những lý do mà vào mỗi cuối mùa cũng thường là thời điểm mà V-League vắng khán giả. Đấy là thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra ở các giải vô địch quốc gia của các nền bóng đá tiến bộ.

Con số chỉ 2.000 khán giả đến sân Hàng Đẫy xem trận CLB Hà Nội gặp Long An, giữa một bên đang cạnh tranh ngôi vô địch, bên kia đang giành suất trụ hạng nói lên điều gì? - Con số người xem ít ỏi đấy phản ánh chân thật nhất hiện người ta không quan tâm đến cuộc đua ở ngôi đầu, cũng không buồn chú ý đến chuyện đội nào sẽ rớt hạng.

Mà cũng chưa chắc con số 2.000 người theo như báo cáo của giám sát là con số thực, theo thói quen thích làm tròn số của các giám sát tại V-League. Có khi số khán giả thực tế còn thấp hơn như vậy.
 

V-League càng về cuối mùa thì càng nhiều trận đấu giữa các đội bóng hầu như không còn động lực cụ thể (ảnh: Trọng Vũ)
V-League càng về cuối mùa thì càng nhiều trận đấu giữa các đội bóng hầu như không còn động lực cụ thể (ảnh: Trọng Vũ)


Người ta không buồn quan tâm đến cuộc đua giành ngôi vô địch do ở đấy nhiều năm qua cuộc chơi không sòng phẳng. Nói gì thì nói, một giải đấu ngay từ đầu vốn đã có chuyện “một ông chủ - nhiều đội bóng” thì không thể khiến người hâm mộ tin vào tính sòng phẳng.

Ngẫu nhiên hay không thì chẳng biết, nhưng rõ ràng là đến cuối mùa, mùa này qua mùa khác, ngôi đầu V-League chỉ là cuộc cạnh tranh của nhóm 3 – 4 đội bóng cùng thuộc bầu Hiển, với một đội nào đấy, mà phần hơn thường hay nghiêng về các đội bóng của bầu Hiển.

Năm nay, Thanh Hoá đang tạm dẫn đầu, nhưng Thanh Hoá có đi đến đích trong cảnh “mãnh hổ nan địch quần hồ” hay không thì còn chờ mới biết? Thanh Hoá năm 2015 từng chịu tình cảnh này rồi. Hải Phòng năm ngoái cũng lâm vào tình huống tương tự, rồi XM Xuân Thành Sài Gòn năm 2012 cũng vậy: Dẫn đầu gần như suốt giải, nhưng vẫn thua phút chót vì một mình phải căng sức cạnh tranh với mấy đội, chịu ảnh hưởng của cùng một ông chủ.

Ngược xuống nhóm dưới, Long An về lý thuyết vẫn còn cơ hội trụ hạng, nhưng đấy chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, họ mới có 9 điểm, kém đội gần nhất là Cần Thơ đến 9 điểm, khoảng cách bằng 3 trận thắng.

Đấy là khoảng cách mà nguyên cả mùa giải, Long An còn không san lấp nổi, huống hồ giờ chỉ còn 6 trận. Cứ cho là họ sẽ có thêm 9 điểm hoặc nhiều hơn trong 6 vòng đấu cuối, nhưng không lẽ các đối thủ gần nhất của họ chịu ngồi yên nhìn họ bám đuổi?

Ở các giải vô địch quốc gia của những nền bóng đá tiến bộ, giải đấu của họ hấp dẫn, thu hút người xem nhờ các cuộc cạnh tranh ở cuối mùa, nhờ sự sòng phẳng trên đường đua đến ngôi vô địch, nhờ sự cạnh tranh của nhóm các đội tranh vé dự cúp châu lục (thường là nhóm giữa bảng), nhờ cuộc đua một mất một còn của nhóm các đội tranh suất trụ hạng.

Đằng này, ở V-League, nhóm đầu vốn đã không thể có được cuộc đua sòng phẳng, nhóm giữa không có vé dự cúp châu lục để mà tranh (bóng đá Việt Nam chỉ có 2 đại diện được dự cúp châu Á, 1 là đội vô địch V-League, 1 là đội đoạt cúp quốc gia), nhóm cuối an bài quá sớm.

Vậy khán giả còn gì để xem? Còn gì đáng để họ đến sân? Riêng giờ mà bàn tiếp đến thể thức thi đấu của V-League, của hệ thống các giải quốc nội dẫn đến tình trạng đấy lại là câu chuyện dài khác!
 

Theo Kim Điền/Dân Trí


 


.