"Lệ bơi" ở "ao làng"

08:06, 26/06/2017
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Có người nói: “SEA Games từ trước đến nay vẫn được coi là "ao làng” cho 11 quốc gia Đông Nam Á tập bơi, không hơn không kém. Trong mỗi kỳ “tập bơi”, những nước chủ nhà đều thể hiện được tối đa quyền làm chủ của mình để vơ vét huy chương của đại hội”. Câu đó thật khó để… đúng hơn.

Nếu anh đi thi bơi, thì “luật bơi” ở “ao làng” thế nào, anh cũng phải chấp nhận. Vì mỗi thành viên của SEA Games đều có một “ao” riêng của mình, nên ai cũng chờ tới lượt mình tổ chức SEA Games sẽ tha hồ đặt ra “lệ”, và các thành viên khác dù uất ức tới đâu cũng bắt buộc phải chấp hành.

Thực ra thì ai trong số 11 thành viên của SEA Games cũng đều muốn… vơ vét huy chương về cho mình, nhưng theo “lệ làng” thì chỉ có chủ nhà đứng ra tổ chức SEA Games mới có đặc quyền này. Đó là “lệ bất thành văn”, ai cũng kêu nhưng rồi ai cũng chịu.

Năm nay Malaysia là chủ nhà. Malaysia vốn khá mạnh trong môn bóng đá, nhưng để chắc ăn-vì họ phải đối đầu với những đối thủ rất mạnh trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, thậm chí cả Myanmar, nên họ đã tự đặt ra một “lệ” mới, không giống ai. Đó là chủ nhà được đặc cách chọn bảng.

Có hai bảng: Một bảng 5 đội và một bảng 6 đội. Sau khi 10 thành viên (không có chủ nhà) bắt thăm, chủ nhà sẽ quyết định chọn cho mình bảng đấu nào, bảng 5 đội hay bảng 6 đội? Dĩ nhiên, chủ nhà sẽ chọn bảng đấu có lợi nhất cho mình, không chỉ có lợi trong bảng, mà còn cơ cơ hội tốt để đi tới bán kết và chung kết.

Nghĩa là với kiểu bắt thăm lạ đời này, chủ nhà Malaysia sẽ tuyệt đối có lợi thế trong môn bóng đá nam-môn “thể thao vua” của SEA Games.

“Mười vị khách” chắc là tức anh ách khi được mời vào “bữa tiệc bóng đá” này, nhưng sẽ không ai bỏ cuộc phản đối. Rốt cuộc chỉ còn nghe những tiếng cằn nhằn, những cảm thán và cả oán thán. Nhưng sẽ không thay đổi được bất cứ điều gì. Ở “làng” mà không biết tuân theo “lệ làng” thì sống với ai?

Tôi nghĩ, trong số 10 vị khách, thì có lẽ Việt Nam là một trong những vị khách bình thản nhất. Trong bóng đá SEA Games, Việt Nam chưa bao giờ vô địch, dù từng được là chủ nhà tổ chức sân chơi “ao làng” này. Nhớ lại xem, Việt Nam mình đã tận dụng lợi thế chủ nhà ở SEA Games 22 tốt như thế nào, đã tận tình vơ vét huy chương ra sao để cuối cùng đứng nhất toàn cuộc SEA Games 22 với tổng số huy chương vượt trội đến ngạc nhiên.

10 thành viên là khách của SEA Games lần này cũng vậy. Họ “nghiến răng chấp nhận” vì cũng không có lối thoát nào khác.

Cho tới chừng nào thể thao Đông Nam Á được tổ chức hoàn toàn theo luật lệ của IOC (Ủy hội Olimpic thế giới), chừng đó sẽ không còn những cảm thán hay oán thán gì nữa. Đã có luật chơi chung cho cả thế giới, nhưng SEA Games luôn biết xin cho mình “một khoảng trời riêng” để tổ chức một đại hội thể thao khu vực theo ý mình. IOC đã đồng ý. Vì thế, cũng không còn gì để thắc mắc nếu mỗi nước chủ nhà ở SEA Games lại tìm đủ cách để tạo ra những “lệ” có lợi nhất cho mình.

Khi SEA Games được tổ chức tại Myanmar, nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cũng đã kêu trời vì những “lệ” không giống ai được thực thi ở đó. Nhưng cuối cùng, ai cũng phải nghiến răng hoan hỉ chấp nhận, vì trong tương lai sẽ tới lượt mình tổ chức SEA Games, “hãy đợi đấy!”, lúc đó thì tha hồ nghĩ ra những “lệ làng” kỳ bí, miễn có lợi nhất cho mình mà không ai bác bỏ được. Vì ai cũng như vậy cả./.   
 


.