Bóng đá đỉnh cao Quảng Ngãi: Giấc mơ còn xa

10:09, 12/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào mỗi dịp cuối tuần, người hâm mộ bóng đá đỉnh cao trong nước ở Quảng Ngãi chỉ biết nhìn sang sự sôi động ở các sân vận động một số tỉnh, thành qua màn ảnh ti vi. Bởi đã từ lâu, đội tuyển bóng đá Quảng Ngãi đã không còn thi đấu ở các hạng đấu chuyên nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Chìm, nổi cùng bóng đá đỉnh cao

Năm 1989, Quảng Ngãi được tái lập, ngành thể dục thể thao của tỉnh đã từng bước khắc phục những khó khăn để xây dựng các môn thể thao mũi nhọn, trong đó có bóng đá. Từ đó, bóng đá Quảng Ngãi đã tham gia vào các giải bóng đá cấp Quốc gia và đạt một số thành tích đáng ghi nhận. Đó là, đội tuyển đã thi đấu ở hạng A2 (hạng Nhất hiện nay) vào năm 1992; hay như năm 1996, đội đã lọt vào Vòng chung kết Cúp Quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các đội trẻ cũng có những thành tích tốt như: Năm 1995, đội U.18 tỉnh xếp thứ 3 ở Giải U.18 Quốc gia và đội U.17 đoạt Huy chương Đồng ở Giải vô địch U.17 Quốc gia năm 2015…

Các đội bóng tham gia Giải bóng đá tỉnh Quảng Ngãi năm 2015.
Các đội bóng tham gia Giải bóng đá tỉnh Quảng Ngãi năm 2015.


Từ năm 2002 đến 2012, đội bóng đá Quảng Ngãi nhiều lần tham gia Giải bóng đá hạng Ba, hạng Nhì Quốc gia và đặc biệt, có lần đã thi đấu ở Giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia (từ 2007 - 2009). Mặc dù vậy, trong thời gian này, cách làm bóng đá đỉnh cao của tỉnh cũng thực hiện theo hình thức tạm thời, lệ thuộc vào đơn vị tài trợ, chưa có kế hoạch đào tạo tập trung, cũng như chưa có chiến lược cụ thể cho việc phát triển bóng đá đỉnh cao theo một quy trình tổng thể và mô hình hiện đại. Đến năm 2013, do những khó khăn về lực lượng và tài chính, đội bóng đá Quảng Ngãi không còn tham gia bóng đá đỉnh cao nữa, mà chỉ tham gia các lứa tuổi U.11, U.13 và U.17… Việc Quảng Ngãi “thôi” tham gia bóng đá đỉnh cao là nỗi buồn khó tả của người hâm mộ, là sự trăn trở với những người tâm huyết với môn bóng đá.

Giấc mơ xa xăm

Nếu chỉ tính hai giải đấu bóng đá cao nhất của Việt Nam (V.League và hạng Nhất), thì số đội tuyển đến từ dải đất miền Trung cũng rất hùng hậu. Trong đó có những đội bóng thuộc các tỉnh “láng giềng” của Quảng Ngãi như: QNK Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Phú Yên, Sanna Khánh Hòa… Bởi vậy nên người hâm mộ bóng đá Quảng Ngãi chỉ biết nhìn sang sự sôi động ở các sân vận động của tỉnh bạn vào mỗi dịp cuối tuần mà “thèm”. Trong thời gian dài, bóng đá đỉnh cao của tỉnh không thiếu nhân tài. Quảng Ngãi từng là nơi đào tạo được những cầu thủ có trình độ thi đấu cho đội tuyển Quốc gia, V.League hay hạng Nhất. Riêng đội ngũ HLV có trình độ cử nhân chuyên sâu bóng đá khá nhiều, trong đó có 5 HLV có bằng C Châu Á.

Theo một chuyên gia am hiểu tường tận bóng đá Quảng Ngãi, để củng cố và phát triển bóng đá đỉnh cao, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh, phù hợp với xu thế phát triển bóng đá thành tích cao của Quốc gia và quốc tế, thì Quảng Ngãi cần có chiến lược phát triển bóng đá cả phong trào và đỉnh cao một cách bài bản và lâu dài. Trước tiên, đó là phải thành lập Câu lạc bộ bóng đá Quảng Ngãi, trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng tổ chức đào tạo, huấn luyện và quản lý bóng đá trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, phải nhìn vào thực tế rằng, muốn đầu tư cho bóng đá đỉnh cao thì đòi hỏi kinh phí hằng năm rất lớn (khoảng trên 20 tỷ đồng). Nhưng chỉ dựa vào ngân sách tỉnh khó mà kham nổi. Còn trong thời buổi “tiền đong gạo đếm” thì chẳng lạ gì chuyện doanh nghiệp thắt hầu bao, ngán đầu tư cho bóng đá, khiến đội bóng Quảng Ngãi khó ra đời ngay được. Đó là chưa kể, muốn xây dựng được đội tuyển bóng đá, công tác tuyển chọn, đào tạo đóng vai trò rất quan trọng. Thế nhưng, các giải bóng đá theo đối tượng từ U.15 đến U.21 của tỉnh cũng chỉ thu hút được 3 - 4 huyện, thành phố tham gia. Do đó, để bóng đá đỉnh cao của tỉnh trở lại các giải đấu Quốc gia là một chặng đường còn rất dài…

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.