Của tin còn một chút này

09:09, 01/09/2014
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai)- “Có khả năng “cháy” vé anh ạ!” Một người bạn của tôi thốt lên ngạc nhiên khi chứng kiến những dòng người rồng rắn xếp hàng, không phải mua bánh trung thu truyền thống Hà Nội, mà mua…vé xem bóng đá giải U19 ĐNÁ có đội U19 VN tham gia. Mà người ở Hà Nội đã xếp hàng, đã chịu chen lấn là có chuyện rồi đó!

Lâu nay, cứ ngỡ người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã quay lưng lại với bóng đá nước nhà, mà họ quay lưng là đúng, thì nay, đội U19 VN dù thành tích chưa phải đã cao trong khu vực, nhưng đã thu hút người hâm mộ quay mặt lại với mình. Đó là điều rất đặc biệt trong hoàn cảnh bóng đá VN đã gần như rơi tự do xuống… đáy.

Đội U19 VN, mà nòng cốt là cầu thủ học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, từ lúc “hạ sơn” đã chinh phục được cảm tình chân thành của người hâm mộ bằng lối chơi kỹ thuật, hiền hòa, bằng sự hồn nhiên cống hiến không toan tính, bằng cả vốn tiếng Anh rất đáng khen mà các em học được ở nhà trường.

 

Đây là một đội bóng có học, được giáo dục đạo đức bên cạnh rèn luyện kỹ năng bóng đá, và dù lối chơi còn mang những dáng nét trường ốc nhưng hứa hẹn đây sẽ là lứa cầu thủ mà bóng đá Việt Nam đang thiếu và đang cần. Về nhiều mặt, chứ không chỉ bóng đá.

Dĩ nhiên, đường các em đi còn dài, cả sự nghiệp và những được mất, cả thành công và có thể cả sai lầm, nhưng người Việt mình vốn bao dung và sống tình cảm, cứ thấy các em bây giờ chơi bóng “dễ thương” như vậy là đã thương rồi.

Xin VFF hãy bắt đầu từ tình thương ấy của người hâm mộ để làm lại bóng đá Việt Nam. Và bắt đầu từ chính lứa cầu thủ U19 dễ thương này mà đặt những nền móng cơ bản cho việc rèn luyện đạo đức, văn hóa và kỹ năng cầu thủ. Bây giờ người ta mới thấy, văn hóa, trong đó có học lực thực chất, đóng vai trò thế nào trong bóng đá. Dĩ nhiên, đã có những thiên tài bóng đá nhưng ít học, nhưng đó là những mẫu hình không lặp lại và không thể bắt chước hoặc noi gương. Còn với bóng đá hiện đại, vai trò của văn hóa, của học thức là rất lớn.

Ngay như chuyện học ngoại ngữ, nếu cầu thủ Việt Nam trước đây không biết một ngoại ngữ nào, thì cầu thủ U19 bây giờ có thể giao tiếp khá thông thạo và tự tin bằng tiếng Anh. Đó chính là chiếc cầu đưa họ ra với bóng đá thế giới. Bây giờ, đừng hô hào chung chung, mà nên đặt những kế hoạch rõ ràng, bài bản để có thể dạy dỗ, đào tạo cầu thủ bóng đá từ khi họ còn rất trẻ. Họ phải được học kiến thức thích hợp, và được sống trong một môi trường văn hóa cùng lúc với học bóng đá.

Có thể phải cần tới 10 học viện bóng đá như HAGL-Arsenal JMG để bóng đá Việt nam có thể phát triển, nhưng dù là bao nhiêu học viện, thì cách đào tạo như lâu nay của HAGL là tốt và nên nhân rộng mô hình này. Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, bóng đá cần tài năng, là sân chơi để xuất hiện những tài năng. Nhưng đó phải là những tài năng tốt, những tài năng đầy nhân văn nhân tính, những tài năng không chỉ góp phần hoàn thiện nghệ thuật bóng đá mà còn tự hoàn thiện chính mình như một con người đúng nghĩa.

Chính VFF phải thực sự nhận thức được điều ấy, thì mới có đường hướng đúng cho bóng đá Việt Nam vượt qua giai đoạn đen tối này mà phát triển. Nếu không, thì Việt Nam chưa nên làm bóng đá chuyên nghiệp, mà chỉ nên làm bóng đá phong trào.

Với U19 VN, “Của tin còn một chút này”, là vậy.    


.