Sân chơi cho trẻ em Lý Sơn: Chuyển mình nhờ xã hội hóa

12:04, 26/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sân chơi cho trẻ em từ lâu vẫn còn là điều rất "xa xỉ" với nhiều địa phương và càng xa lạ hơn với trẻ em ở huyện đảo Lý Sơn. Thế nhưng, mới đây tại huyện đảo này đã “mọc lên” hai sân bóng đá mini cỏ nhân tạo.  Đây chính là kết quả từ giải pháp xã hội hóa. 

Niềm vui mới
 
Cứ chiều đến, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ở Khu văn hóa thể thao xã An Vĩnh lại rộn rã tiếng cười của trẻ em. Nam thì say sưa với môn “thể thao vua”, nữ thì cùng hò hét, cổ vũ. Một số nhóm khác tụ tập chơi nhảy dây, chơi trốn tìm… Nhiều em cho biết, nếu như trước đây hay dùng tiền để chơi game, suốt ngày ở tiệm net thì nay số tiền đó được tiết kiệm để tụ tập đá bóng với bạn bè. Như vậy thích hơn, vui hơn nhiều.
 
Cùng với tiếng cười vui của các em là khuôn mặt hạnh phúc của rất nhiều phụ huynh. Ít ai nghĩ ở huyện đảo còn khó khăn này mà con em mình lại được vui chơi trong một sân bóng hiện đại, an toàn như vậy. 
 
 
Các em ở xã An Vĩnh thường tập trung về sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ở khu văn hóa thể thao xã để đá bóng cùng các bạn.
Niềm vui mới của các trẻ em trên huyện đảo Lý Sơn.
 
“Từ ngày khu văn hóa thể thao của xã có sân bóng mini cỏ nhân tạo, tôi yên tâm lắm. Mấy đứa cháu trong nhà đi học về, vừa bỏ cái cặp xuống bàn là vào thay đồ, chạy ngay ra sân bóng với các bạn. Tụi nó thích lắm. Đứa đi học buổi chiều thì đá buổi sáng, đứa đi học buổi sáng thì đá buổi chiều. Có việc gì cần tìm tụi nó, cứ ra sân bóng là thấy”- anh Nguyễn Văn Thạnh  (41 tuổi, ngụ tại thôn Tây, xã An Vĩnh) phấn khởi chia sẻ.
 
Sân bóng đá mini, cỏ nhân tạo ở An Vĩnh có diện tích 800m 2 được anh Dương Vân Anh (ngụ ở xã An Vĩnh) thuê từ tháng 9.2013, hợp đồng 5 năm với giá 500.000đồng/ tháng. 
 
Chưa đầy một năm hoạt động nhưng sân bóng đã hoạt động hiệu quả và liên tục. Mỗi ngày ít nhất có 3 trận, giá mỗi trận dao động từ 50.000 đồng đến 180.000 đồng tùy theo. Bình quân mỗi tháng anh Dương Văn Anh thu về khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, điều làm anh hạnh phúc nhất vẫn là được mang đến một hoạt động vui chơi mới lạ, thiết thực cho trẻ em huyện nhà.
 
Ngoài sân bóng đá này, ở An Hải còn có một sân khác với diện tích 1.400m 2. Tuy chỉ mới đi vào hoạt động có một tháng nhưng cũng thu hút được đông đảo trẻ em trong vùng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các em.
 
Hiệu quả từ xã hội hóa
 
Sân chơi cho trẻ em ở huyện đảo Lý Sơn vẫn còn là điều rất "xa xỉ" so với các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Thường thì các em phải tự tìm, tự nghĩ cách vui chơi cho riêng mình. Quanh đi, quẩn lại vẫn là tắm biển, chơi bóng dưới nước… những trò chơi có quá nhiều cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng. 
 
 
Trước thực trạng sân chơi vừa thiếu về số lượng lẫn chất lượng, nguy hiểm đến tính mạng trẻ em. Việc xã hội hóa sân chơi sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu của các em.
Trước thực trạng thiếu sân chơi thì việc xã hội hóa để tạo các sân chơi sẽ hạn chế được những tai nạn đáng tiếc với trẻ em ở nông thôn.
 
Trước thực trạng sân chơi vừa thiếu về số lượng lẫn chất lượng, việc xã hội hóa sân chơi sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu của các em. Các em có những trải nghiệm mới mẻ, từng bước phát triển hài hòa, toàn diện về thể chất và tâm hồn, góp phần giáo dục các em trở thành những con ngoan trò giỏi, trở thành những người tốt trong xã hội.
 
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Sắp tới, ngoài hai sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, chính quyền địa phương cũng sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư thuê đất, triển khai các mô hình vui chơi khác cho trẻ em như tàu lửa, xe điện đụng, đu ngựa, nhà banh…”.
 
Có thêm sân chơi cho trẻ em ở huyện đảo là mong muốn của rất nhiều người. Tuy nhiên, để thực hiện mong muốn ấy lại không hề đơn giản chút nào. Việc duy trì, tạo sự hấp dẫn cho các sân chơi thì lại càng khó hơn, đòi hỏi sự tâm huyết và cả điều kiện đầu tư của những người tổ chức.
 
 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu   
                                                                                                                                                     
 

.