U19 Việt Nam về nhì - Bóng đá tử tế lên ngôi

10:09, 23/09/2013
.

Không được nâng cúp vô địch, U19 Việt Nam vẫn giành giải Fair-play của AFF lẫn chiếm trọn niềm tin của CĐV Việt Nam.

Giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má của các học trò HLV Guiluame. Nỗi đau khi “ngã” trước ngưỡng cửa thiên đường bao giờ cũng xót xa, nhất là “ngã” vì những quả penalty định mệnh.
 
Trong trò chơi cân não đầy may rủi ấy, chiến thắng và thất bại là ranh giới quá mong manh, vì số phận thường đùa cợt với những đội bóng, ngôi sao sân cỏ.
 
Thua trên chấm phạt đền khiến U19 Việt Nam nếm trải vị cay đắng và buốt giá nhất ở giải đấu mà tất cả đối thủ đều phải ngả mũ thừa nhận. Nhưng thực tế, có những dự cảm không hay đã xảy đến với U19 Việt Nam từ trước khi các học trò Guillluame bước vào trận chung kết. Áp lực, sức ép chiến thắng bỗng nhiên bị đẩy lên một cách khủng khiếp, thay vì sự hồn nhiên, vô tư có được trước khi U19 Việt Nam tạo nên cơn sốt.
 
Tình yêu và sự kỳ vọng không có tội. Nhưng yêu thái quá, mất tỉnh táo thì chưa bao giờ tốt đẹp. U19 Việt Nam đã không còn hồn nhiên, giống như trang giấy trắng nữa vì đòi hỏi phải vô địch đột nhiên tăng quá đà như vậy.
 
 
Thua trên chấm phạt đền khiến U19 Việt Nam nếm trải vị cay đắng và buốt giá nhất ở giải đấu mà tất cả đối thủ đều phải ngả mũ thừa nhận. - Ảnh: Đức Hồng
 
Không ít người đã sớm vội vã đặt các học trò Guilluame vào vị trí quá cao, có thể thay thế luôn U23 Việt Nam nhận nhiệm vụ chinh phục tấm HCV SEA Games 27. Tất cả đều quên rằng, lứa U19 Việt Nam hiện tại mới ở độ tuổi 17-18, trong khi khoảng cách trình độ ở giai đoạn này, chỉ cần nhỉnh hơn 1-2 tuổi đã có sự khác biệt, nói gì lứa U19 Việt Nam kém đàn anh họ đến 4-5 tuổi.
 
Trong cơn khát và sự xập xệ của bóng đá Việt Nam, U19 Việt Nam như cơn gió mát làm dịu đi những nỗi thất vọng. Nhưng áp lực của thứ tư duy thèm thành tích bỗng nhiên đòi hỏi ngắt ngọn thế hệ được chăm bẵm cho mục tiêu 2-4 năm kế tiếp. Đấy là nỗi đau do chính những nhà quản lý bóng đá Việt Nam lẫn số ít CĐV Việt Nam tạo ra.
 
**Thua trong trận chung kết không bao giờ dễ tiêu hóa, nhất là thất bại đến từ màn cân não may rủi. Nhưng suốt một chặng đường, U19 Việt Nam đã theo đuổi triết lý đáng khâm phục: bóng đá tử tế. Không có những màn cay cú, trả đũa ghê rợn, dù đấy là những pha tắc khủng khiếp như cách mà U19 Indonesia đã làm để khắc chế sức mạnh của các học trò Guilluame, hay kungfu của cầu thủ U19 Myanmar khiến thủ quân Lương Xuân Trường gẫy tay, bất đắc dĩ trở thành khán giả.
 
Với U19 Việt Nam, khái niệm triệt hạ đối thủ là không có. Dường như lời giảng dạy, răn đe của bầu Đức: “Bọn con đá xấu, chú đuổi!” đã ngấm vào từng đường bóng, cách chơi, tính cách của U19 Việt Nam. Sự khác biệt của U19 Việt Nam được AFF vinh danh bằng giải thưởng Fair-play, nhưng quan trọng nhất, U19 Việt Nam đã lấy trọn niềm tin CĐV Việt Nam.
 
 
Lương Xuân Trường gẫy tay, bất đắc dĩ trở thành khán giả - Ảnh: Bongdaplus.vn
 
Có hay không sự tiếc nuối, tại sao U19 Việt Nam không… đá xấu (dù chỉ là chút ít) để phản kháng và khắc chế lối chơi côn đồ mà U19 Indonesia đã thể hiện trong trận chung kết? Sự trân trọng dành cho U19 Việt Nam là ở chỗ ấy.
 
Một thái độ nhẹ tênh, phớt lờ trò bẩn của người Indonesia. Sự tự tin vào khả năng, trình độ đã giúp U19 Việt Nam lạnh cái đầu và trên hết, giữ được cái đầu lạnh trong suốt 120 phút bị khiêu khích, hành hạ bởi đủ trò bẩn mà người Indonesia đã tung ra để đạt mục tiêu vô địch.
 
Ngôi Á quân không phải là thất bại, nếu U19 Việt Nam giữ được trong mình thứ bóng đá tử tế như vậy. Ở độ tuổi mà sự hoàn thiện nhân cách, trình độ vẫn cần sự uốn nắn thì càng phải đòi hỏi các học trò Guilluame giữ được sự bình thản, tử tế trước cám dỗ của thành tích và đồng tiền. Tương lai bóng đá Việt Nam nằm trong tay thế hệ này, một khi lứa cầu thủ này không bị chết chìm bởi những cám dỗ.
 
Không vô địch nhưng cảm ơn U19 Việt Nam đã chơi thứ bóng đá tử tế!./.
 
 
Theo Minh Huy/VOV online
 

.