"Chân đất" dự SEA games

02:11, 18/11/2011
.

(QNg)- Vào buổi chiều ngày 12/11/2011, VĐV Phạm Thị Bình quê ở Dung Quất-Bình Sơn, thành viên đoàn điền kinh VN tại Sea Games 26 đã xuất sắc đoạt Huy chương Bạc trên đường chạy 10.000m. Khi phóng viên VTV phỏng vấn Bình sau lúc em cán đích, Bình nói thật là em đã chạy chân trần trên đường chạy ở Indonesia. Lý do để VĐV Bình chạy chân trần, không phải vì chạy chân trần dễ dàng hơn hay đạt thành tích cao hơn, mà do lâu nay không thể có giày thể thao đúng chuẩn (vì quá đắt), nên ở VN khi tập luyện Bình cũng chỉ chạy chân đất, giờ đi thi đấu ở Sea Games cũng cứ chân đất mà chạy.

VTV cũng đã chiếu một đoạn trên đường chạy 10.000m, khi Phạm Thị Bình bứt tốc để về đích, camera quay cận cảnh đôi chân trần của Bình đang thoăn thoắt chinh phục đường đua.
 
VĐV Phạm Thị Bình (bên phải)
VĐV Phạm Thị Bình (bên phải)

Là người Quảng Ngãi, tôi đã hết sức xúc động khi xem đoạn phim này, vì tôi hiểu, VĐV Phạm Thị Bình đã chạy bằng tất cả ý chí và nghị lực của mình trên đôi chân trần để giành huy chương cho Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau thành tích này của Bình, em đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay nơi ở của VĐV Việt Nam tại Indonesia, một lễ kết nạp Đảng không chỉ Bình mà tất cả những ai tham dự đều sẽ nhớ mãi.

Người Quảng Ngãi mình là vậy đó! Có thể đi chân đất mà đánh thắng giặc, cũng có thể chạy chân trần mà đoạt huy chương tại một kỳ Sea Games ở xứ người, và cũng có thể trong thiếu thốn mà lập được nhiều thành tích ở các lĩnh vực khác nhau. Nhưng, khi đã "qua cơn tự hào", tôi chợt giật mình: Không thể cứ "đầu trần chân đất", cứ "tay không bắt giặc" mà giành chiến thắng mãi trong thời đại tri thức và công nghệ cao này được!

Cũng như với Phạm Thị Bình, dù em có quyết liệt, có nỗ lực tới đâu, nhưng cũng sẽ vô cùng khó để em giành tiếp những thành tích tốt nhất ở đấu trường quốc tế cao hơn, nếu em cứ chạy với đôi chân trần. Từ biểu tượng hai phía của một vận động viên điền kinh, biểu tượng của ý chí sắt đá, của nỗ lực phi thường, và biểu tượng của sự nghèo nàn thiếu thốn cả những trang thiết bị cần thiết tối thiểu cho nghiệp vụ, chúng ta thấy được điều gì?

Điều dễ thấy nhất, là muốn đạt thành tích, muốn vươn tới đỉnh cao ở bất cứ lĩnh vực nào, thì hai điều kiện cần và đủ cho mỗi con người, thứ nhất là ý chí, là khát vọng chiến thắng, và thứ hai là có được những trang thiết bị tốt nhất. Trang thiết bị ấy có thể là đôi giày chạy đúng quy chuẩn thể thao quốc tế, có thể là những tri thức, những kỹ năng tiên tiến mình chiếm lĩnh, sở hữu được cho mình. Thiếu một trong hai điều kiện ấy, khả năng chiếm lĩnh những đỉnh cao là rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

Trước mắt, có lẽ nên trang bị cho VĐV chạy đường trường Phạm Thị Bình những đôi giày chạy tốt, để em tập quen với giày chạy, và để em có thể chạy nhanh hơn, chạy bền hơn khi mang những đôi giày đúng chuẩn ấy. Những "vận động viên" ở những lĩnh vực khác cũng cần được trang bị như vậy cho những cuộc chạy marathon nhằm vươn tới những đích xa hơn, cao hơn trong cuộc sống.

Thanh Thảo

.