10 trận bóng đá kỳ lạ trong lịch sử

06:02, 04/02/2011
.

Đáng lẽ còn phải có thêm chữ “nhất”. Xin giới thiệu lại những trận đấu kỳ lạ đã diễn ra cách nay một khoảng thời gian chẵn (ví dụ 5 năm hoặc 10 năm hoặc 25 năm), cho thêm phần đặc biệt.

1/ Tỷ số kinh hoàng nhất

Đúng 10 năm trước, kỷ lục về tỷ số đậm đà ở một trận đấu liên quan đến World Cup đã được thiết lập tại Coffs Harbour, nơi đội tuyển Australia thắng đội tuyển American Samoa đến 31-0 ở vòng loại World Cup 2002. Trận đấu diễn ra vào tháng 4-2001 ấy cũng là trận đấu có tỷ số kỷ lục trong lịch sử bóng đá quốc tế.

Với 13 bàn cho đội tuyển Australia, cầu thủ Archie Thompson xô ngã kỷ lục về số bàn thắng trong một trận đấu quốc tế trước đó (10 bàn), cũng như kỷ lục ghi bàn ở một trận đấu liên quan đến World Cup (7 bàn).

2/ Bao nhiêu bàn trong vòng 5 phút?

Nếu chia trận đấu ra làm 18 phần, mỗi phần 5 phút, thì kỷ lục của Thompson hóa ra lại chẳng thấm tháp gì so với thành tích của W.G. Richardson. Đúng 70 năm trước đó, nghĩa là cách nay đúng 80 năm (tháng 11-1931), Richardson ghi một mạch 4 bàn chỉ trong 5 phút (từ phút thứ 6 đến 10) cho West Brom trong trận gặp West Ham. Đấy là kỷ lục về việc ghi 4 bàn trong khoảng thời gian nhanh nhất ở giải VĐQG Anh. West Brom thắng 5-1.

3/ Ghi 4 bàn nhưng chỉ hòa 2-2

Tuyển thủ Bắc Ireland Chris Nicholl cũng ghi được 4 bàn trong trận Leicester - Aston Villa cách nay 35 năm (tháng 3-1976). Điều đặc biệt là trung vệ Nicholl 2 lần tự đốt lưới nhà, “giúp” Leicester dẫn điểm, và cũng chính ông 2 lần ghi bàn giúp Villa cân bằng tỷ số.

Các bàn “tự xử” của Nicholl đều được ghi bằng đầu, còn các bàn gỡ hòa của ông đều ghi bằng chân. Người ta tự hỏi: có bao nhiêu tiền đạo thực thụ có khả năng ghi bàn một cách toàn diện như hậu vệ Nicholl ấy?

4/ Trọng tài quên luật!

Năm năm trước khi có trận hòa 2-2 hy hữu vừa nêu, bóng đá châu Âu cũng có một cặp đấu hòa, nhưng lại rắc rối to. Đó là cặp Rangers - Sporting Lisbon ở Cúp C2 châu Âu. Rangers thắng trận lượt đi 3-2 tại sân nhà. Ở lượt về, họ thua lại 2-3 trên sân Sporting vào tháng 11-1971. Dĩ nhiên, phải chiến đấu tiếp. Lại hòa. Mỗi đội ghi thêm 1 bàn trong 2 hiệp phụ.

Trọng tài Hà Lan Van Ravens yêu cầu đôi bên bước vào loạt sút luân lưu 11m. Sporting thắng 3-0 trong loạt “đấu súng”, nghĩa là các cầu thủ Rangers chẳng sút vào quả nào. Nhưng dĩ nhiên, đội đi tiếp là... Rangers. Theo đúng luật thì họ đã thắng từ khi 120 phút của trận lượt về khép lại với tỷ số 4-3.

Trọng tài không hiểu về luật ghi bàn trên sân đối phương? Khó tin, chắc ông ta căng thẳng đến nỗi quên mất luật ấy mà thôi. Nhưng UEFA không thể nào quên. Mùa ấy, Rangers đoạt Cúp C2. Đấy là đội duy nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao không sút vào quả luân lưu nào nhưng vẫn vô địch!

5/ “Cú đúp hat-trick” không được công nhận

Rangers không ghi được bàn nào trong suốt một loạt sút luân lưu 11m. Vậy mà danh thủ Dennis Law thì chẳng cần được sút 11m vẫn ghi đến 6 bàn cho Manchester City trong một trận đấu đỉnh cao cách đây đúng 50 năm. Đấy là trận đấu ở vòng 4 Cúp FA, vào tháng 1-1961. Manchester City dẫn đến 6-2. Tiếc thay, thành tích tuyệt vời của Law lại không được công nhận vì một nguyên nhân hoàn toàn khách quan: trận đấu bị hủy ở phút 69 vì điều kiện thời tiết quá xấu.

6/ Chỉ có 1 đội vẫn đá

Cách đây 15 năm, có một trận đấu “kỳ cục diễn ra tại Tallinn (Estonia), ở vòng loại World Cup 1998. Đó là trận Estonia - Scotland, nơi trọng tài đành phải nổi còi kết thúc ngay phút thứ nhất. Trận đấu dự kiến bắt đầu lúc 18g45 ngày 9-10-1996. Nhưng vào buổi sáng, các giám sát viên của FIFA kết luận khi kiểm tra sân rằng giàn đèn không đủ sáng, yêu cầu trận đấu khai diễn lúc 15g.

Scotland nháo nhào thông báo đến các khán giả theo chân đội bóng để cổ vũ, trong khi chủ nhà Estonia lại lấy cớ rằng không kịp thông báo đến các thành phần liên quan. Nguyên nhân chính nằm ở hợp đồng truyền hình mà họ đã ký.

Đến giờ, Scotland với đầy đủ đội hình có mặt trên sân. Trọng tài Miroslav Radoman của Nam Tư nổi còi khai cuộc. Billy Dodds giao bóng. Rồi trọng tài lập tức nổi còi kết thúc và Tosh McKinlay vung tay lên cao chào mừng chiến thắng! Scotland được xử thắng 3-0!

7/ Phạt một cầu thủ đến 3 thẻ vàng

Trọng tài Poll chỉ đuổi Simunic sau thẻ vàng thứ 3.
Trọng tài Poll chỉ đuổi Simunic sau thẻ vàng thứ 3.

Cách đây 5 năm, trọng tài nổi tiếng người Anh Graham Poll đã tự làm hỏng sự nghiệp nổi tiếng của mình bằng một trận đấu hy hữu, tại World Cup 2006, trận Australia - Croatia. Poll “quên” đuổi khỏi sân cầu thủ Croatia Josip Simunic sau khi đã phạt thẻ vàng cầu thủ này lần thứ 2. Mãi đến khi lĩnh thẻ vàng thứ 3, Simunic mới bị đuổi.

8/ Ghi 10 bàn ngay lần đầu tiên thử sức

Cách đây 75 năm, có một thành tích ghi bàn tuyệt vời xuất hiện ở giải hạng Ba của Anh, trong trận Luton - Bristol Rovers vào tháng 4-1936. Trước giờ bóng lăn, HLV Ned Liddell của Luton tá hỏa khi cả 2 tiền đạo của ông đồng loạt chấn thương không thể thi đấu. Ông bèn xếp tiền vệ Joe Payne vào vị trí trung phong một cách bất đắc dĩ.

Payne quả cũng ghi được 1 bàn vào giữa hiệp đầu, nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy 1 trong 2 đội có thể thắng. Thế rồi, Payne bỗng bùng nổ trong hiệp 2. Tổng cộng, ông ghi đến 10 bàn, giúp Luton thắng 12-0. Đấy là thành tích ghi bàn nhiều nhất của 1 cầu thủ trong lịch sử các giải bóng đá chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp ở Anh. Chắc chắn đây là kỷ lục khó bị phá vỡ.

9/ Sự trùng hợp hy hữu

Vào ngày đầu năm 1966, đội bóng Anh Chester ghi nhận một sự trùng hợp hy hữu khi gặp Aldershot tại sân nhà. Họ có 2 cầu thủ cùng họ là Ray Jones và Bryn Jones.

Phút 21, Bryn Jones chuồi bóng không thành công và bị gãy chân, được chở thẳng đến bệnh viện. Không lâu sau đó, Bryn gặp đồng đội Ray Jones tại… bệnh viện. Ray cũng gặp nạn sau một pha chuồi bóng không thành công. Họ đều là cầu thủ Chester, đều chơi hậu vệ cánh, đều bị gãy chân trong cùng một trận đấu vì chuồi bóng không thành công, đều được đưa vào bệnh viện cấp cứu và phải nghỉ thi đấu đến hết mùa bóng!

10/ Cú trả đũa có một không hai

Pha ghi bàn đầy tranh cãi của Geoff Hurst trận chung kết World Cup 1966.
Pha ghi bàn đầy tranh cãi của Geoff Hurst trận chung kết World Cup 1966.

Bây giờ, ai cũng đã biết sự kiện gây tranh cãi trong trận chung kết World Cup 1966: chẳng biết bóng đã vào hay chưa khi cầu thủ Anh Geoff Hurst sút trúng xà ngang đội Đức, bóng dội xuống mặt cỏ ngay vạch vôi khung thành. Trọng tài Thụy Sĩ Gottfried Dienst không thấy rõ nên hỏi ý trọng tài biên người Liên Xô (chính xác là Azerbaijan) Tofik Bakhramov. Ông này bảo vào (bây giờ, khoa học kỹ thuật giúp mọi người thấy rõ quả ấy chưa vào).

Chung cuộc, Anh thắng Đức 4-2. Ngay sau đó, Bakhramov về nước và trả lời phỏng vấn: “Họ là người Đức. Tôi không thể có dịp nào khác tốt hơn thế”! 
 
Theo SGGPO

.