Ký ức Vạn Mắm và xóm Thùng

02:11, 25/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi ngày trước có hai nơi mang tên Vạn Mắm, cùng với đó là một xóm nhỏ có tên xóm Thùng. Những địa danh này một thời gắn với nghề làm mắm và buôn bán mắm nhộn nhịp nơi cửa sông, cửa biển. 
 
Vang danh một thuở 
 
Bến sông Vực Hồng (hay còn gọi là bến Thu Xà), đoạn chảy qua xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), từng là cửa ngõ giao thương tấp nập tàu ghe. Ông Nguyễn Chí Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết, xuất phát từ việc hạ lưu sông Vực Hồng có nhiều ghe neo đậu để bán mắm và bán dầu hỏa, nên nơi đây hình thành nên 2 địa danh là Vạn Mắm và Vạn Dầu. Về sau, người xưa nhận thấy việc chèo ghe tại bến Vực Hồng không thuận tiện bằng bến Phú Thọ, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) - một bến sông cách đó chừng 4km, là ngã ba nối giữa sông Phú Thọ với sông Vệ, sông Trà Khúc, nên đã dời ghe sang đấy để buôn bán mắm.
 
Vạn Mắm vang danh một thuở, giờ chỉ có một vài chiếc ghe nhỏ neo đậu.  Ảnh: Ý THU
Vạn Mắm vang danh một thuở, giờ chỉ có một vài chiếc ghe nhỏ neo đậu. Ảnh: Ý THU
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, dựa vào các ghi chép trong sử sách và tư liệu có được từ lời kể của những người từng buôn bán tại Vạn Mắm năm xưa, thì khi người xưa chuyển Vạn Mắm về Phú Thọ, Vạn Mắm ở Thu Xà gọi là Vạn Cũ, còn Vạn Mắm ở Phú Thọ gọi là Vạn Mới. Thời ấy, Vạn Mắm ở Phú Thọ làm ăn rất thịnh, đến mức ngoài nước mắm có sẵn tại tỉnh, người buôn còn phải đi ghe bầu vào tận tỉnh Bình Thuận mua cá để muối tại chỗ hoặc mua mắm muối sẵn rồi chở ngược về Vạn Mắm. Từ Vạn Mắm, nước mắm được bán ra khắp nơi trong tỉnh.
 
 Lênh đênh trên biển, đối mặt với bao sóng gió dập dồn giữa biển khơi, nên để việc vận chuyển được thuận tiện, người buôn mắm trên ghe bầu thời ấy thường chở theo thùng tô - nô, một loại thùng làm bằng gỗ mít dẻo dai, có thể chịu được va đập. Để tìm mua loại thùng này, người buôn thường tìm về xóm A, thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức), nơi chuyên đóng thùng tô- nô, những chiếc thùng gỗ này có sức chứa từ 300 - 500 lít mắm. Ngày ấy, đóng thùng trở thành nghề ăn nên làm ra ở xóm A. Nhà nhà, người người trong xóm ngày đêm xẻ gỗ, ráp thùng, để kịp cung cấp cho các nhà làm mắm, buôn mắm. Dần dà, cái tên xóm Thùng trở thành tên dân dã, được người xưa dùng để đặt tên cho xóm, thay vì gọi bằng tên hành chính.
 
Xa rồi nghề xưa 
 
Từng một thời tấp nập cảnh mua bán mắm, đến mức hình thành nên địa danh Vạn Mắm trên sông, thế nhưng khi giao thông đường bộ phát triển, hoạt động mua bán ở đây dần thưa rồi mất hẳn. Tại vị trí Vạn Mắm năm nào, giờ đây thi thoảng có vài chiếc ghe nhỏ của những người làm nghề rỗi biển chạy qua, nhưng cũng chỉ đủ làm xôn xao sóng nước trong vài phút ngắn ngủi. 
 
Thùng làm từ gỗ mít do thợ ở xóm Thùng ngày trước làm, nay còn một số ít người dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) gìn giữ, sử dụng.                Ảnh: Ý THU
Thùng làm từ gỗ mít do thợ ở xóm Thùng ngày trước làm, nay còn một số ít người dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) gìn giữ, sử dụng. Ảnh: Ý THU
Còn ở xóm Thùng giờ đây cũng chẳng còn ai làm nghề đóng thùng. “Ngày trước, xóm Thùng cung cấp thùng tô - nô cho khắp cả tỉnh. Nghề đóng thùng “nương” theo nghề làm nước mắm, nên khi các ghe bầu nghỉ buôn mắm, các loại nước mắm công nghiệp được bán nhiều trên thị trường, dẫn tới nghề đóng thùng hiu hắt theo. Không sống được với nghề, người dân xóm Thùng đã nghỉ đóng thùng gần 30 năm nay rồi”, cụ Lê Thị Chợ (82 tuổi), một người dân sống tại thôn An Mô, trầm ngâm chia sẻ.
 
Kể từ khi lớp thợ cuối cùng biết đóng thùng tô - nô ở xóm Thùng là ông Cường, ông Thơm... mất đi, nghề đóng thùng từng nức tiếng gần xa tại đây cũng không còn. Những năm gần đây, khi nghề làm nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh dần hồi sinh, người làm mắm sử dụng thùng nhựa, hoặc mua thùng tô - nô ở các tỉnh khác. 
 
Vạn Mắm “đã vắng người sang những chuyến đò”, xóm Thùng chẳng còn ai nối nghiệp. Những dấu ấn của nghề buôn mắm trên sông nước của người xưa, nay chỉ còn là hoài niệm. Những địa danh vang bóng một thời giờ chỉ còn trong ký ức các bậc cao niên...
 
Ý Thu
 
 
 
 

.