Nhớ về nồi bảy nồi ba

10:08, 11/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Thế hệ nồi điện, bếp gas” ngày nay chắc chắn ít biết và cảm nhận được nồi đồng, bếp củi ra sao và bên cạnh tro khói cay mắt nó thú vị thế nào.
[links()]
Trước và song hành với nồi đồng là nồi đất. Nồi đất và cả trả đất, ấm đất rẻ tiền mau hư, dù nấu cơm kho cá đều rất ngon. Ấm (siêu đất) đất thì chuyên trị om nước chè, sắc thuốc Bắc. Trả đất chuyên trị kho cá, cá mặn cá ngọt, lại có thể dùng để rang, rang đậu phụng, rang mè, rang bắp. Nồi đất để nấu cơm. Nắp đậy nồi có cái núm nhỏ ở giữa, gọi là cái vung. Nồi niêu, trả đất nấu cơm, kho cá đều ngon, nhiều người lớn tuổi hẳn không quên mùa đông cá đồng vụn kho trong trả đất. Nhưng sơ ý chút là nồi đất vỡ.
 
Khác với đồ gốm sứ được làm bằng nguyên liệu cứng, nung nhiều trăm độ, nồi đất thuộc họ gốm “pottery” chúng được làm bằng đất sét nung chỉ với 100 độ C, mà ở Quảng Ngãi thì có một số làng chuyên làm, như làng Chỉ Trung (nay thuộc xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ) sản xuất. Nồi đất, nồi rang vỡ thì mua nồi đất mới để dùng. Làm nậu rỗi bán cá gánh đi thì phải chạy nhanh kẻo cá ươn bán ế, còn gánh nồi rang đi bán mà bắt chước nậu rỗi thì: “Rỗi chạy rỗi có lời, nồi rang chạy rồi đời nồi rang”. Nồi đất, nồi rang gắn với nhà nghèo. Hầu hết nhà nghèo đều dùng nồi đất vì không sắm nổi nồi đồng. Gắn với nhà nghèo nhưng bây giờ kiểu “cơm niêu” nồi đất lại là nơi ăn khá sang trọng. Té ra trong đời không chắc cái gì sang hơn cái gì. 
Nồi đồng đựng nước chêm rượu cần.                ẢNH: CAO CHƯ
Nồi đồng đựng nước chêm rượu cần. ẢNH: CAO CHƯ
Xưa kia nồi đồng đắt gấp nhiều lần nồi đất, nên người nào phận hèn kém mà muốn thách thức mạng người cao sang hơn thì nói sẵn sàng “nồi đất đổi nồi đồng”. Nồi đương nhiên được đúc bằng đồng, cổ thắt miệng loe, dưới phình rộng bẻ thành góc, đáy không phẳng mà cong tròn cánh cung. Nồi được phân theo kích cỡ to nhỏ, gọi là nồi một, nồi hai, nồi ba, cho đến nồi bảy và cuối cùng là nồi bung. Nồi bung lớn hơn nồi bảy, nhưng sao không gọi nồi tám thì chưa rõ. Đơn giản vậy nhưng không dễ cắt nghĩa, như tại sao gọi nồi một, nồi hai... thì có người giải thích rằng đó là căn cứ vào số người ăn, nhưng cách giải thích này nghĩ ra không ổn. Cơm nấu đầy cái nồi bảy, đố bảy người mà ăn hết. Do vậy, có người lại giải thích ba, bảy là căn cứ vào kích thước đường kính miệng, hoặc đơn giản là người ta ấn con số cho từng kích cỡ, thế thôi.
 
Nhiều nơi trong nước có đúc nồi đồng. Ở Quảng Ngãi làng đúc Chú Tượng (Mộ Đức) từng đúc nồi đồng bên cạnh các sản phẩm đồng khác. Bài vè thợ đúc sau khi kể về việc lấy đất sét, quết với trấu với than để nắn khuôn, đào lò dựng bể, cúng kiến xong xuôi thì cái sản phẩm đầu tiên mà vè kể đến là nồi bảy, nồi ba: “Thợ đúc có công/ nấu đồng ra nước/ thợ mới đúc được/ nồi bảy nồi ba...”. Nồi có từ nồi một đến nồi bảy, nồi bung, nhưng thực tế nồi ba, nồi bảy và nồi bung là phổ dụng nhất, cũng khó cắt nghĩa. Nồi đồng cũng thường dùng nấu cơm, nấu canh, luộc củ, các dân tộc thiểu số miền núi còn dùng để nấu nước chè, nấu thịt, hay đơn giản làm đồ đựng nước. 
 
Với dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi, nồi đồng được coi là của cải để đo đếm độ giàu nghèo của một gia đình, bên cạnh chiêng ché. Nồi bảy được dùng nhiều ở miền núi, được người Kinh đúc và mang vác lên miền núi để đổi chác với đồng bào vùng cao. Với người Kinh, nồi đồng không tính như một loại tài sản quý, nhưng cũng là vật dụng đáng kể trong nhà. Những người làm ăn có của dư của để mới sắm nổi vài chiếc nồi đồng.
 
Sau nồi đồng, đến thời hiện đại, nồi nấu được dùng bằng xoong nhôm. Xoong là từ ngữ du nhập từ phương Tây, cũng như kiểu đúc và chất liệu của nó. Xoong nhôm màu trắng, kiểu dáng hình trụ tròn, kim loại nhôm gần như không có trong công nghệ truyền thống của người Việt; xoong nhôm nhẹ, gọn, dễ bảo quản, nhưng nếu nấu thức ăn ngon thì không thể sánh với nồi đồng, đặc biệt nó không thể có truyền thống lâu đời, gốc gác dân tộc như nồi đồng.
 
Nồi đồng cũng nấu bằng lửa củi như nồi đất, cơm canh cũng rất ngon, tất nhiên phải ăn đứt các loại nồi điện, nồi bếp gas bây giờ. Có điều lửa củi phiền phức, củi không khô thì phải dùng ống thổi lửa là một đoạn tre thổi phù phù, tro trấu bay lên cả mặt mũi. Nồi nấu ám khói đen hin nên sơ ý sẽ bôi lên cả mặt. Phụ nữ đang nấu cơm mà có khách đến phải vội đi rửa mặt, kẻo dính lọ khách cười. Thấy lọ nghẹ dính trên tay trên mặt thì người ta nói là “ăn vụng” (đói ăn vụng, túng làm càn). Khói bếp cũng bay lên ám mái nhà và các đồ vật. Cho nên các nhà cửa sáng sủa ngày nay người ta hầu như không dùng bếp củi, ngại bếp củi. 
 
Nhưng đổi lại bếp củi nồi đồng nấu cơm cũng như các thức khác đều rất ngon, và có cái mà bếp điện bếp gas không có, là chỗ những người phụ nữ cùng nhau ngồi ấm, trên chiếc đòn, vừa đẩy lửa vừa tâm sự với nhau. Cơm ở nồi đồng khi ăn để dành cho người sau thường ép vào hông nở rộng của nó, rồi vầng lại nồi ở bên bếp. Cơm cháy ở đít nồi đồng rất ngon. Ở đồng bào thiểu số miền núi, có khi người ta dùng nồi bung luộc thịt, nấu cháo thịt, nấu canh cho nhiều người ăn ngày lễ hội. Rất nhiều khi người ta nấu nước chè xanh trong nồi bung cho nhiều người uống. Khi không dùng vào nấu nướng, người ta lại dùng nồi bung đựng nước. 
 
Nhiều khi người ta không đặt nồi lên “ba ông Táo”, mà dùng dây sắt buộc vào tai nồi treo lưng chừng để nấu, nấu chín xong rồi dùng đòn khiêng nồi đi. Cứ thử nghĩ một cái xoong nhôm to tương đương có thể di chuyển cơ động như vậy không? Cho nên nồi đồng cũng gắn liền với ý niệm cứng, chắc. Người miền Bắc có thành ngữ “nồi đồng, cối đá” là vậy.
 
Tại sao nồi đồng không là khối hình trụ tròn như cái xoong mà phải có cổ thắt miệng loe hông nở, đáy cong? Thật khó giải thích. Trông nồi có vẻ giống dáng dấp của các hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh, có thể là sự kế thừa chăng? Dáng dấp nó như vậy mới được người xưa coi là thẩm mỹ chăng? Có điều về công dụng, nếu để ý thì cấu tạo nồi như vậy rất tiện trong trường hợp không phải nấu, luộc mà là hấp. Đáy nồi cong tròn có thể chứa ít nước, trên nó đặt vỉ tre, trên vỉ tre mới đặt vật hấp, cách thủy. Người Hrê nhiều trường hợp dùng cách này, kể cả nấu củ mì củ lang mà khi chín củ không bị no nước. Người ta cố tình đúc đáy nồi đồng cong như vậy để tiện dùng trong việc hấp chăng? Lại cũng có thể nghĩ, nồi đáy cong hẳn nhiệt sẽ tỏa đều hơn là nồi đáy phẳng, nhờ thế thức ăn nấu trong nồi chín đều hơn, không có tình trạng cơm dưới cháy giữa sống trên nhão.
 
Giờ đi tìm một chiếc nồi đồng hẳn không phải dễ. Nó đã bay biến theo thời gian và nếp sống con người. Nhưng may ở miền núi, đồng bào thiểu số nhiều nơi còn giữ, để gợi ta nhớ về nồi bảy nồi ba...
 
CAO CHƯ
 
 
 

.