Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn - Da diết với quê hương

01:08, 09/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhắc đến anh, rất nhiều người nhớ ngay đến ca khúc “Quảng Ngãi nhớ thương”. Ca khúc này đã được bao thế hệ người Quảng Ngãi quen thuộc, với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, ca từ bình dị, giàu chất thơ. Với nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương là nguồn cảm xúc vô tận, để anh viết nên những ca khúc với ca từ đậm chất âm nhạc dân gian, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu âm nhạc.       
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn.                      ẢNH: Huỳnh Thế
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn. ẢNH: Huỳnh Thế
PV: Là một nhạc sĩ quen thuộc với những người yêu âm nhạc, vậy anh có thể cho biết cơ duyên nào đưa anh đến với con đường sáng tác âm nhạc?
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn). Từ tấm bé, tôi đã thấy quê hương mình rất đẹp, nhưng mình chưa biết thể hiện tình yêu quê hương bằng con đường nào. Tình yêu quê hương thì mỗi người có cách thể hiện khác nhau, riêng Nguyễn Tuấn, muốn thể hiện nó bằng âm thanh, chẳng hạn mình tập viết một bài hát. Ngay từ những ngày còn ngồi ở trường trung học, tôi đã quyết tâm thi vào Trường Âm nhạc Huế và từ đó, con đường âm nhạc theo đuổi cho mãi đến ngày hôm nay.
 
PV: Đề tài biển đảo luôn là nguồn cảm xúc vô tận để các nhạc sĩ sáng tác, vậy với anh, đề tài biển đảo có ý nghĩa như nào trong những sáng tác của mình?
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Đối với một nhạc sĩ sinh ra và lớn lên tại quê hương ven biển, tình yêu biển đảo được ví như tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc. Vấn đề biển đảo là vấn đề vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa đối với Nguyễn Tuấn. Tình yêu biển đảo luôn trong trái tim tôi, nơi đó đã thấm đẫm tình yêu mặn mòi của biển. Sau này, có nhiều dịp đi nhiều nơi, tình yêu đó như càng thêm chắp cánh. Mình thấy quê hương, biển đảo mình rất đẹp, cho nên tôi thích viết về biển đảo từ xưa đến giờ. Với Nguyễn Tuấn, tình yêu biển đảo có ngay từ tấm bé, nó như ăn vào máu thịt vậy.
 
PV: Được biết, ca khúc “Tiếng vọng khao lề” được anh khai thác chất âm nhạc dân gian. Xin anh cho biết ca khúc ra đời trong hoàn cảnh nào?
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Xuất phát từ mạch nguồn tình yêu biển đảo, tôi đã tìm hiểu mạch nguồn của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn) và tôi rất xúc động. Cũng từ tình yêu biển đảo, Nguyễn Tuấn muốn giới thiệu tiếng khao lề, lễ hội Khao lề đến với bạn bè bốn phương. Ca khúc này sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, khẳng định lễ Khao lề đã có từ lâu rồi, tính dân tộc trong âm nhạc cũng được gửi gắm trong ca khúc này.
 
PV: Anh cũng là người nhạc sĩ viết rất nhiều ca khúc, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và anh đã giành rất nhiều giải thưởng. Vậy giải thưởng nào để lại trong anh ấn tượng sâu sắc nhất?
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Với tôi, mỗi giải thưởng đều có giá trị và ấn tượng riêng. Nó là động lực để mình có thêm nhiều sáng tác mới, đó cũng là động lực để tôi đi nhiều, viết nhiều, viết về miền núi, viết về miền biển, viết về miền ngược, viết về miền xuôi... Quan trọng nhất là mình luôn muốn đưa vốn văn hóa, văn nghệ dân gian của tỉnh nhà đến với bạn bè khắp miền Tổ quốc. Để người ta biết văn hóa, con người Quảng Ngãi như thế nào.
 
PV: Đến nay, anh đã viết hàng trăm ca khúc và đều đặn mỗi năm cho ra đời nhiều ca khúc mới. Vậy anh có thể chia sẻ bí quyết nào để anh nuôi dưỡng cảm xúc, liên tục cho ra đời những ca khúc mới như vậy?
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Theo tôi, chắc có lẽ người nhạc sĩ, người nghệ sĩ nào cũng phải đi nhiều thôi, đi nhiều để thấy, để nghe, để biết nhiều thứ, trong đó đặc biệt là vốn văn hóa của địa phương. Theo tôi, viết về Quảng Ngãi nó phải ra chất Quảng Ngãi, nó phải khác khi viết về Khu 4, về Quy Nhơn, Đà Nẵng... Chưa nói đâu xa, ở Quảng Ngãi, tôi thấy rất phong phú, ở miền ngược thì có văn hóa Cor, Ca Dong, Hrê. Ở miền xuôi thì có văn hóa vùng biển, rồi văn hóa đồng bằng, bờ tre, giếng nước, điệu hò, điệu lý... Với người nhạc sĩ, không ai bảo nhưng phải đi nhiều, thu thập những gì mắt thấy tai nghe để làm chất liệu trong những sáng tác của mình.
 
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ!
 
 
Nguyễn Tuấn và "Quảng Ngãi nhớ thương"
 
PV: Ca khúc “Quảng Ngãi nhớ thương” của anh đã đi vào lòng khán giả Quảng Ngãi nói riêng, cả nước nói chung. Xin anh cho biết cảm xúc khi anh viết nên ca khúc này?
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Xuyên suốt trong tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo, ngay từ những ngày học Trường Âm nhạc Huế, mình đã thai nghén viết một cái gì đó cho quê hương Quảng Ngãi. Sau khi ra trường, về công tác tại Trung tâm Văn hóa, được đi rất nhiều nơi trong tỉnh, được nhìn thấy người dân quê mưu sinh từ miền ngược cho đến miền xuôi, đặc biệt là cảnh người dân mưu sinh trên dòng sông Trà.
 
Về ca khúc Quảng Ngãi nhớ thương, nó là một kỷ niệm hết sức êm đềm, với tư liệu tôi đã có sẵn, nhưng ở Quảng Ngãi viết không được. Trong một lần đi công tác tại TP.Đà Nẵng, vừa ra Đà Nẵng hai hôm thì cơn bão số 9 đổ bộ vào miền Trung, nhà cửa ở đó hư hại rất nhiều, lúc đó tôi nghĩ quê hương mình cũng vậy, nên cac khúc “Quảng Ngãi nhớ thương” đã được ra đời trong niềm xúc cảm nhớ thương quê nhà da diết.

 

 HUỲNH THẾ
(thực hiện)
 
 
 
 
 

.