Hội Chữ ở Văn Miếu

09:02, 21/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ nhiều năm nay, tại Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) một lễ hội mang tên “Hội Chữ” đã trở thành thương hiệu, là điểm đến ấn tượng, góp phần nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thư pháp cũng như các giá trị văn hóa lâu đời trong dịp Tết đến, Xuân về. 
[links()]
Hội Chữ thường diễn ra từ ngày 24 tháng Chạp đến ngày 20 tháng Giêng, thu hút đông đảo khách tham quan và công chúng không chỉ riêng ở Hà Nội mà ở mọi miền đất nước, kể cả bạn bè quốc tế. Tại đây, diễn ra nhiều hoạt động truyền thống, các chương trình diễn xướng nghệ thuật dân gian và trình diễn thư pháp, phác họa những hình ảnh đã làm nên giá trị, tinh hoa của đất nước. 
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. ẢNH: PV
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. ẢNH: PV
Là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, tục cho chữ đầu Xuân mang ý nghĩa tôn sư trọng đạo, đề cao trí tuệ, hiền tài. Hội Chữ được tổ chức thường niên tại Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với mong muốn tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc.
 
Đến Hội Chữ, người dân thường xin chữ về treo trong nhà với hy vọng một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Tùy vào mục đích và lứa tuổi, người xin chữ sẽ được tư vấn chọn chữ phù hợp. Thông thường, thanh niên, học sinh thường xin chữ Minh, Trí, Tuệ, Đạt... để tự nhắc nhở bản thân thu nạp kiến thức, cầu thi cử đỗ đạt. Người trung tuổi hay chọn chữ An, Phúc, Đức, Tâm... mong một năm mới nhiều bình an, gia đình hòa thuận... Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn xin chữ để tặng cho người mà mình yêu quý.  
Vừa viết chữ, ông đồ vừa giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.  ẢNH: DUY TIẾN
Vừa viết chữ, ông đồ vừa giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc. ẢNH: DUY TIẾN
Theo phong tục ngày xưa, những “ông đồ già” thường là người có tiếng về văn hay, chữ tốt trong làng nên được nhiều người tin tưởng tìm đến tận nhà xin chữ. Những ngày đầu xuân mới thường là thời điểm bận rộn của các ông đồ. Người xưa quan niệm, xin chữ cũng chính là xin cái đức, cái tâm của người cho chữ để mong những điều may mắn cho mình và gia đình trong năm mới. Thế nên, từ xưa người ta gọi nét đẹp văn hóa ấy là tục “xin chữ - cho chữ”, vì thầy đồ không bao giờ ra giá đối với người đến xin chữ.
 
Quý trọng con chữ là điểm chung của người xin chữ và cho chữ. Vì thế, từ xưa cho đến nay, tục xin chữ - cho chữ ngày Xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
 
Duy Tiến
 
 
 
 

.