Giọng ca rạng rỡ quê nhà

07:01, 11/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm rời quê vào Sài Gòn, Thanh Liêm trầy trật, vật lộn với khó khăn, thử thách để “lên đến đài danh vọng”. Đạt được danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nhưng Thanh Tuấn- nghệ danh của Thanh Liêm vẫn giữ cho mình lối sống đơn giản, bình dị, không khoa trương, kiểu cách.
 
Con đường bước lên sân khấu
 
Là một người con của vùng đất Thủy Triều - Trà Câu (Đức Phổ - Quảng Ngãi), từ thuở còn cắp sách đến trường, Thanh Liêm (sinh năm 1950) đã mang trong mình dòng máu mê nghệ thuật. Thời học phổ thông, anh nhiệt tình, linh hoạt trong công tác văn nghệ ở trường lớp. Năm 1963, anh được đoàn thanh niên địa phương chỉ định làm Trưởng ban Văn nghệ thiếu nhi của thôn. Từ đó, ban ngày thì học văn hóa, ban đêm, anh đi học vũ đạo, ca múa do cán bộ của đoàn văn công huyện huấn luyện, sau về dợt lại cho Ban văn nghệ thôn. 
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn trong một vở diễn.          Ảnh: PV
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn trong một vở diễn. Ảnh: PV
Nung nấu ước mơ được trở thành nghệ sĩ lớn từ khi tham gia chương trình ca nhạc “Tiếng hát học sinh” - Đài Phát thanh Quảng Ngãi. Nhưng lúc này, anh chỉ ca được những ca khúc tuổi học trò, hay nhạc Trịnh. Về ca cổ cải lương, anh hoàn toàn chưa biết gì. Chỉ thi thoảng được nghe đài, rồi ca theo nghêu ngao.
 
Năm 1964, giặc càn. Ban văn nghệ tan rã, anh cũng bỏ quê vào Sài Gòn để lánh nạn và tìm kế mưu sinh. Anh theo chân một người đồng hương, vào đến nơi thì đường ai nấy đi, thân ai nấy lo. Không nhà cửa, không tiền bạc, tứ cố vô thân, Thanh Liêm phải đi đến từng phòng trà, quán bar để xin cộng tác, song đều bị từ chối. Rồi cuối cùng, anh phải làm tạp vụ ở một rạp hát, vừa có tiền, lại có chỗ ở tạm bợ luôn. Trong thời gian này, người con đất Thủy Triều luôn tìm cho mình công việc thích hợp. Với giọng ca trời phú và niềm đam mê cổ nhạc, anh bắt đầu tầm sư học nghệ.
 
Học với thầy Út Trong (thầy của nhiều nghệ sĩ) và Bảy Trạch, rất nhanh, chỉ khoảng nửa năm, Thanh Liêm đã ca được ba nam, sáu bắc, bảy lễ, bốn oán, các bài vắn, bài bản lớn và vọng cổ, làm cho chính các thầy phải trố mắt ngạc nhiên.
 
Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân
 
Sau khi học xong, đủ lông đủ cánh, anh hỏi thầy xem đã có thể đi gánh hát chưa? Như “hai ý tưởng lớn gặp nhau”, các thầy đều khuyên anh cần rèn thêm kỹ thuật ca và cách thức hóa thân vào từng nhân vật.
 
Muốn có lối ca riêng, NSND Thanh Tuấn đêm nào cũng nép mình bên rạp, nghe từng nghệ sĩ (NS) ca. Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn chia sẻ: “Học ca lén, nhưng phải biến cái học được thành cái mới, cái khác, không giống nét của người mình đã học. Giọng ca của mình phải khác, không giống hay dù chỉ na ná. Ban đầu, cố  né hơi, cách xuống vọng cổ, xuống “hò”, ra “xề”...  nếu không giống Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang thì lại có hơi hướm của Minh Cảnh hay nghệ sĩ đàn anh nào đó và ngược lại.” Trải qua quá trình “trường kỳ khổ luyện”, cuối cùng, Hoài Trúc Linh (nghệ danh khác của ông) cũng đã hình thành phong cách mới. Mới về giọng ca và mới cả về cách phân nhịp. Từ đây, cặp đôi Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn - Phượng Liên, Thanh Tuấn - Cẩm Tiên...  xuất hiện và được lòng khán giả ba miền.
 
Đánh giá về giọng ca Thanh Tuấn, NSND Diệp Lang từng nhận xét: “Thanh Tuấn là một nghệ sĩ có vóc dáng tầm thước, đẹp trai, diễn xuất chững chạc. Nhưng đặc biệt là anh có giọng ca riêng, không giống bất kỳ ai. Khi nghe là người ta nhận ra ngay. Giọng ca ngọt ngào, luyến láy rất hay. Người ta ca vọng cổ thường dùng dấu sắc, dấu hỏi...  một dấu nhất định. Còn Thanh Tuấn, dấu nào cũng ca hay hết. Và nhất là nhịp nhàng rất điêu luyện, nên ca bay bổng, không khép vào khuôn khổ nào hết”.
 
Dù là người miền Trung, “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nhanh chóng, giọng ca “Nhớ biển Nha Trang” đã bắt kịp các NS cùng thời như Thanh Sang, Mỹ Châu. Thanh Tòng, Minh Vương, Thanh Nga, Bảo Quốc... và nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trên sân khấu cũng như trong lòng khán giả. Nghệ sĩ ưu tú (NSUT) Kim Tử Long nói: “Trong giới nghệ sĩ đàn anh, tôi nghe và hồi hộp nhất là anh Thanh Tuấn. Tôi nghe, không biết ảnh ca buông chữ có bị rớt không. Nhưng không rớt. Khi nghe anh Thanh Tuấn ca, mới thấy bài vọng cổ phong phú vô cùng”.
 
Giọng ca đặc biệt, phong cách riêng, tháng 1.2001, NS Thanh Tuấn giật giải diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc năm 2000, với vai người thầy mẫu mực Chu Văn An, trong vở “Nỗi lòng Chu Văn An” (soạn giả Phi Hùng). Đến năm 2007, người con Quảng Ngãi vinh dự nhận danh hiệu NSUT. Năm 2019, NS Thanh Tuấn đã được Thủ tướng tận tay trao cho danh hiệu cao quý nhất - NSND. Và những thành công của ông đã làm rạng rỡ quê nhà Quảng Ngãi.
Không ngừng cống hiến
 
Dù ở tuổi thất tuần, nhưng NSND Thanh Tuấn vẫn giữ được giọng ca vàng. Vẫn hay đi hát phục vụ khán giả, sống cuộc sống giản dị. Xuất hiện ở ghế giám khảo “Đường đến danh ca vọng cổ”, “Bông lúa vàng”, mới đây nhất, Phạm Lãi trong vở “Tây Thi” lại tiếp tục ngồi vào ghế giám khảo cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ 2020” và tiếp lửa cho nhiều thí sinh trẻ, người trong nghề cũng như ngoài nghề.
THANH NGUYỄN
 
 
 
 
 

.