Đừng để di tích thành phế tích

10:01, 24/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thắng cảnh núi Phú Thọ và Cổ Lũy cô thôn, ở xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích cấp quốc gia. Thế nhưng, điều đáng buồn là di tích này hiện trở nên hoang vắng, chẳng mấy ai đặt chân đến.
[links()]
Cảnh đẹp hiếm có
 
Mới đây, chúng tôi đến tham quan núi Phú Thọ trong sự ngỡ ngàng và tiếc nuối. Một di tích, thắng cảnh thuộc tầm quốc gia nhưng lại đìu hiu, chẳng có bóng người. Theo lối mòn nhỏ, chúng tôi dốc sức cuốc bộ lên đến đỉnh núi. Cảnh quang nơi đây phải nói là tuyệt đẹp, hiếm nơi nào có được. Trên đỉnh núi là một khu đất rộng, bằng phẳng. Muốn khám phá vẻ đẹp trên núi, trước hết phải đi qua cổng tam quan, đây là di tích còn sót lại từ thời xưa. 
Cổng tam quan trên đỉnh núi Phú Thọ.
Cổng tam quan trên đỉnh núi Phú Thọ.
Qua lời kể của người dân địa phương, khoảng đầu thế kỷ XX, Nguyễn Thân về sống ở làng Phú Thọ, lập chùa trên đỉnh núi, gọi là Thạch Sơn tự. Chùa làm bằng tranh, trong một lần tổ chức lễ hội thắp đèn lồng nên chùa bị cháy. Nơi đây còn có di tích thành lũy của người Chàm xưa như thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng.
 
Điều thú vị khi mục sở thị núi Phú Thọ là chiêm ngưỡng những tảng đá khổng lồ. Núi Phú Thọ còn gọi là núi Đá, có rất nhiều tảng đá lớn trên đỉnh núi với hình thù đa dạng, lạ mắt, nhiều tảng đá chất chồng lên nhau. Có những tảng đá khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh trầm bổng như tiếng chuông, tiếng trống. Ngoài ra, có nhiều hòn đá nhỏ ở những vị trí khác nhau được ví như cây con nhú lên trên mặt đất.
 
Từ trên đỉnh núi Phú Thọ nhìn về hướng đông là cảnh đẹp "Cổ Lũy cô thôn", một trong 10 cảnh đẹp của Quảng Ngãi đi vào sử sách, là nguồn cảm hứng cho nhiều tao nhân mặc khách. Trên núi có cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, ôm lấy những tảng đá khổng lồ. Từ trên núi cao, giữa không gian bao la, ngắm nhìn khung cảnh làng quê yên bình, tuyệt đẹp ở phía biển, cảm giác rất tuyệt.  
 
Di tích bị bỏ hoang
 
Trước đây, nhiều người đến tham quan núi Phú Thọ, trải nghiệm cảm giác ngắm nhìn trời mây, biển cả bao la và mục sở thị những tảng đá kỳ dị do tạo hóa ban tặng. Đặc biệt, với người dân ở xã Nghĩa Phú trước đây, núi Phú Thọ gắn liền với ký ức tuổi thơ. Những buổi trưa hè, lũ trẻ vẫn thường rủ nhau lên núi chơi trò trẻ con.
 
Ông Trịnh Sự, ở thôn Phú Thọ - Thanh An, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú kể: "Gần như cả tuổi thơ của tôi gắn với núi Phú Thọ. Tôi thường theo anh em chăn bò trên núi, theo mẹ đào khoai lang. Vào dịp tết đoan ngọ, tết Nguyên đán, nhiều người lên núi vui chơi, tận hưởng không khí thoáng mát, yên bình. Sau giải phóng, tôi làm công tác thanh niên ở địa phương, vẫn thường tổ chức cho trẻ em lên núi cắm trại, chơi trò đánh giặc giả...".
 
Núi Phú Thọ đông vui một thuở là vậy, giờ đây trở nên hoang vắng, cây dại mọc um tùm. Trên núi, hiện còn một số bia tự, vết tích thời xưa đã hư hỏng và có nguy cơ biến mất. Khu vực núi Phú Thọ trở thành khu nghĩa địa tự phát của người dân địa phương. Dần dà, núi Phú Thọ chẳng có bóng người đến tham quan và nó gần như bị chìm trong quên lãng.
 
Quả là tiếc nuối đối với một di tích, thắng cảnh cấp quốc gia, ngay ở khu vực TP.Quảng Ngãi, nhưng lại thiếu sự quan tâm bảo vệ, đầu tư phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ 
 
 
 

.