Tự hào lịch sử quê hương

08:09, 04/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để những giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương được gìn giữ và phát huy, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm biên soạn lịch sử đảng bộ và tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.  
Tích cực sưu tầm, biên soạn tài liệu lịch sử
 
Nhắc đến Ba Tơ, nhiều người nhớ đến vùng đất đã làm nên cuộc khởi nghĩa oai hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Nơi đây là An toàn khu (ATK) của Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên địa bàn huyện hiện có hàng chục di tích lịch sử được công nhận. Xác định truyền thống cách mạng là điểm tựa và động lực cho sự phát triển, cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể của huyện Ba Tơ luôn quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống, nhất là cho thế hệ trẻ. 
 
Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ.                Ảnh: BS
Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: BS
Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Thành Phạm Văn Sâm cho hay: Đảng ủy xã đang sưu tầm, tập hợp các tài liệu lịch sử để soạn thảo cuốn lịch sử Đảng bộ xã. Ba Thành là một trong 5 xã, thị trấn được Chính phủ công nhận là ATK, với nhiều di tích lịch sử. Khi cuốn lịch sử đảng bộ xã được xuất bản sẽ là tập tài liệu quý để địa phương tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. 
 
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ba Tơ Lương Xuân Hạ cho biết: Huyện rất quan tâm đến công tác sưu tầm, biên soạn các tài liệu để phục vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Để đảm bảo tính chính xác và khoa học trong biên soạn lịch sử đảng bộ, Huyện ủy đã thành lập tổ thẩm định chất lượng gồm những nhà quản lý, nghiên cứu có uy tín. Đến thời điểm này, huyện Ba Tơ có 3 xã, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ xã, 3 xã đang biên soạn, các địa phương khác đang sưu tầm, tập hợp tư liệu... 
 
Ở TX.Đức Phổ, Đảng ủy xã Phổ Phong cũng đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930 - 2020. Theo Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định, lịch sử Đảng bộ xã là tài liệu quý, ghi lại quá trình chiến đấu, xây dựng đầy gian khổ, hy sinh, nhưng rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân xã nhà; đồng thời góp phần lưu giữ, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, để từ đó phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 
"Qua những câu chuyện kể về nhiệt huyết cách mạng, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc của thế hệ cha anh đi trước sẽ góp phần xây đắp niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, từ đó mỗi người ra sức học tập, lao động để giúp ích cho quê hương, đất nước".
 
Chị HUỲNH THỊ LỆ QUYÊN, thuyết minh viên Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ
Bồi đắp lòng yêu nước
 
Để truyền đạt kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ, những năm qua, các cấp ngành, cùng với chính quyền đã phân công giáo viên tìm hiểu, soạn các bài giảng, đưa các sự kiện lịch sử, gương sáng anh hùng ở địa phương vào giảng dạy trong nhà trường.
 
Thành phố Quảng Ngãi đã có nhiều sáng tạo trong giảng dạy môn Lịch sử địa phương tại các cấp học. Nhân các dịp lễ, kỷ niệm lớn của tỉnh, đất nước, các trường kết hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức cho các em đi tham quan các vùng quê cách mạng, các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. 
Thuyết minh Bảo tàng Ba Tơ giới thiệu về cuộc khởi Nghĩa Ba Tơ cho cán bộ, phóng viên Báo Quảng Ngãi.                   Ảnh: PV
Thuyết minh Bảo tàng Ba Tơ giới thiệu về cuộc khởi Nghĩa Ba Tơ cho cán bộ, phóng viên Báo Quảng Ngãi. Ảnh: PV
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ Đặng Thị Trang cho hay: “Hằng năm, trường kết hợp với phụ huynh thường xuyên tổ chức cho các em đi tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tăng cường lồng ghép chương trình giảng dạy lịch sử địa phương để học sinh hiểu thêm về lịch sử, giáo dục các em về truyền thống yêu nước, yêu quê hương”.
 
Tại Mộ Đức, trong thời gian qua, Huyện đoàn đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ như thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện; hội thi “Theo dòng lịch sử”; tổ chức các cuộc "Hành trình về địa chỉ đỏ cách mạng" của tỉnh.
 
Hội Cựu chiến binh Mộ Đức tổ chức mỗi năm từ 10 - 12 buổi nói chuyện, tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc; phong trào cách mạng của địa phương. Bên cạnh đó, các trường học đều có kế hoạch lồng ghép tổ chức giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương trong giờ học chính khóa hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa, góp phần giáo dục học sinh về truyền thống cách mạng của quê hương, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.
 
Vốn quý để xây dựng quê hương 
 
Điểm nhấn trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng ở Ba Tơ là việc đưa lịch sử địa phương vào các trường học; tổ chức thi viết, tìm hiểu truyền thống cách mạng... Các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, đoàn viên, thanh niên. Một số xã tổ chức thi tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng qua hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
 
Chị Huỳnh Thị Lệ Quyên, thuyết minh viên Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ cho biết: Bảo tàng hiện có hơn 200 hiện vật, tư liệu hình ảnh. Mỗi hiện vật là một câu chuyện của lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Qua những câu chuyện kể về nhiệt huyết cách mạng, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc của thế hệ cha anh đi trước sẽ góp phần xây đắp niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, từ đó mỗi người ra sức học tập, lao động để giúp ích cho quê hương, đất nước.  
 
Còn theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Văn Hường, thì cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống về Đảng, đất nước, địa phương; tổ chức hoạt động về nguồn, nói chuyện chuyên đề, gặp mặt nhân chứng lịch sử... Điển hình là xã Phổ Thuận tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương, đất nước bằng hình thức thi viết và sân khấu hóa, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên tham gia. Bài học quý về lịch sử sẽ là vốn quý trên bước đường xây dựng quê hương.  
 
HƯƠNG MINH - KIM NGÂN
 
 
 
 
 

.