Nhạc sĩ Xuân Bình- Nếu đã đam mê, chưa bao giờ là quá muộn

09:08, 31/08/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Dù có cơ hội bước vào con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ rất sớm, thế nhưng do áp lực “cơm áo, gạo tiền” lo cho gia đình, niềm đam mê âm nhạc gián đoạn. Khi 5 người con nay đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, người nhạc sĩ ấy quay trở lại sống trọn với niềm đam mê, đạt nhiều giải thưởng, được người trong nghề đánh giá cao.
40 năm gián đoạn...
 
Căn nhà nhỏ ở thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) của nhạc sĩ Xuân Bình luôn vang vọng lời ca, điệu hát, tiếng đàn. Có khi là những bản tình ca ngọt ngào thể hiện sự son sắt, thủy chung của tình yêu thuở đôi mươi. Có khi là những làn điệu dân ca mượt mà với tình yêu quê hương da diết... 
 
Ca khúc nào cũng làm xao xuyến lòng người, mang âm hưởng dân gian, với giọng hát cao vút của vợ, từng là một diễn viên đoàn ca kịch năm xưa và tiếng đàn violon, đàn ghi ta của người chồng, từng là nhạc công ở đoàn văn công, đoàn ca múa nhạc.
 
Nhạc sĩ Xuân Bình nay đã 60 tuổi. Sương gió cuộc đời phủ kín lấy ông, khiến ông khác hơn so với tuổi thật. Phả làn khói thuốc trắng xóa, câu chuyện về cuộc đời mình, ông khoan thai kể.
 
Nhạc sĩ Xuân Bình và vợ- từng là một diễn viên ở Đoàn ca kịch tỉnh Nghĩa Bình năm xưa.
Nhạc sĩ Xuân Bình và vợ- từng là một diễn viên ở Đoàn ca kịch tỉnh Nghĩa Bình năm xưa đều có niềm đam mê với âm nhạc.
 
Năm 13 tuổi, ông đã có cơ duyên gắn bó với hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, với năng khiếu âm nhạc thiên bẩm, ông được các cô, chú trong Đoàn văn công giải phóng Quảng Ngãi chọn về để đào tạo. Ông được tạo điều kiện đi học lớp nghệ thuật ở Trường Nghệ thuật Sân khấu miền Trung Trung Bộ. Sau đó, ông về làm nhạc công đánh trống tại đoàn.
 
Khi Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định nhập thành tỉnh Nghĩa Bình, ông tiếp tục công tác ở Đoàn ca múa nhạc tỉnh Nghĩa Bình. Trong quá trình theo đoàn, ông được đào tạo bài bản về kỹ thuật chơi trống, đàn violon, ghi ta do những bậc thầy thời ấy về đào tạo.
 
Suốt thời gian hoạt động ở đoàn là những kỉ niệm đẹp nhất trong chặng đường âm nhạc của ông. Cũng trong khoảng thời gian ở đoàn là cơ duyên để ông gắn bó cuộc đời mình với một diễn viên đất võ Bình Định ở đoàn ca kịch.
 
Ông cho biết: “Thời ấy khắc nghiệt, chuyện tình cảm đôi lứa ở cái tuổi đôi mươi ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp. Chặng đường hoạt động nghệ thuật của tôi bị đứt đoạn vì phải lập gia đình sớm. Tuy nhiên, với đức tin của bản thân, tôi nghĩ rằng mình không thể nào có sự lựa chọn khác, khi người phụ nữ mình yêu thương nguyện suốt đời bên một nhạc công nghèo, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Còn âm nhạc, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục tìm cơ hội”, ông nói.
 
Nhạc sĩ Xuân Bình vốn là một nhạc công chơi trống của Đoàn văn công giải phóng Quảng Ngãi. Ngoài trống, ông còn chơi rất hay đàn violon và ghi ta.
Nhạc sĩ Xuân Bình vốn là một nhạc công chơi trống của Đoàn văn công giải phóng Quảng Ngãi. Ngoài trống, ông còn chơi rất hay đàn violon và ghi ta.

Năm 1980 ông về Tịnh Hiệp mưu sinh. Đúng như niềm tin của bản thân, năm 1985 ông có cơ hội trở lại đoàn, khi ấy là Đoàn Nghệ thuật Chim Yến và hoạt động cùng đoàn mãi cho đến khi tách tỉnh thì trở về quê hương Tịnh Hiệp ở hẳn.
 
Nhiều người trong đoàn trở về sẽ chọn một đơn vị nào đó để công tác trong ngành văn hóa nghệ thuật ở các huyện, tỉnh, để tiếp tục sống trọn với niềm đam mê. Ông thì khác. Trước những áp lực khó khăn của gia đình, ông không còn chọn lựa nào khác, quyết định tạm ngưng niềm đam mê bản thân. Quanh năm gắn liền với hơn 10 sào ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, ông cùng vợ nuôi 5 đứa con ăn học, trưởng thành.
 
“Tạm chia tay niềm đam mê nhưng sự khát khao, hoài bão với âm nhạc, nghệ thuật luôn hừng hực, cháy bỏng. Tôi giấu kín, nuôi dưỡng cảm xúc với âm nhạc một cách thầm lặng và chờ đợi. Tôi chưa bao giờ hối tiếc vì sự đánh đổi của bản thân. Khi mà nay, những đứa con đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm hẳn hoi. Trong đó, 3 người con đều là giáo viên âm nhạc các trường”, ông bày tỏ.
 
... Dấu ấn những ngày trở lại
 
Trở lại với âm nhạc, hành trang của ông là chiếc đàn violon, chiếc ghi ta do những “chiến hữu”  cùng hoạt động nghệ thuật ở tỉnh Nghĩa Bình năm xưa tặng.
 
Ông bắt tay vào sáng tác nhạc và lời cho các ca khúc. Đánh dấu cho sự trở lại trong sự nghiệp của ông là vào năm 2014, ca khúc “Hỡi người con gái sông Trà” đạt giải 3 trong cuộc thi “Hát về quê hương núi Ấn sông Trà” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức.
 
Được sự động viên của gia đình và những anh em nghệ sĩ, ông gặt hái hàng loạt các giải thưởng khác. Ca khúc “Bến đợi” đoạt giải giất cuộc thi “Hát về Quảng Ngãi” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức vào năm 2017.
 
Tiếp tục, năm 2019, ông nhận giải 3 của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy với ca khúc “Hồ Chí Minh một tình yêu" với cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
 
“Làm lại từ đầu sau 40 năm rời xa nghề, tôi lao vào viết liên tục với tất cả niềm đam mê cháy bỏng, không biết mỏi mệt khi được sống thêm một lần nữa với nghề. Sau nhiều năm gắn với ruộng đồng, tưởng chừng những hư danh nghệ thuật của cuộc đời mình chôn vùi vào dĩ vãng. Thế nhưng, những giải thưởng liên tục được trao tặng, điều này khiến tôi thật sự rất bất ngờ", ông trải lòng.
 
Ở cái ngưỡng tuổi 60, ông bắt đầu quay trở lại với âm nhạc và say sưa sáng tác.
Ở cái ngưỡng tuổi 60, ông bắt đầu quay trở lại với âm nhạc và say sưa sáng tác.

Ngoài những tác phẩm đoạt giải thưởng cao, ông còn sáng tác hàng trăm tác phẩm khác. Trong mỗi nốt nhạc, ca từ của ca khúc do ông sáng tác đều chất chứa tình yêu da diết quê hương đất nước, hồi ức về những năm tháng gian khổ trong chiến tranh.
 
Ca khúc "Câu hò Đồng Lộc” viết về câu chuyện của 10 cô gái thanh niên xung phong hi sinh ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) vào ngày 24.7.1968 đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca, về sự hi sinh cao cả của những cô gái tuổi 18 đôi mươi, là một trong những ca khúc như thế.
 
Đây là ca khúc đã đạt giải đạt giải khuyến khích trong “Cuộc vận động sáng tác ca khúc Kỉ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc- Những đóa hoa bất tử” do Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức. Dù chỉ đạt giải khuyến khích nhưng được các anh chị em hội viên hội nhạc sĩ đánh giá cao, các ca sĩ nổi tiếng chọn hát.
 
Ủy viên BCH Chi hội nhạc sĩ tỉnh Quảng Ngãi- Nhạc sĩ Minh Châu chia sẻ về người đồng nghiệp của mình: "Dù có khoảng thời gian gián đoạn trong quá trình hoạt động âm nhạc nhưng khi trở lại nhạc sĩ Xuân Bình đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động âm nhạc tỉnh nhà. 
 
“Trước niềm đam mê âm nhạc của nhạc sĩ, anh em trong hội cũng đã tạo điều kiện cho anh hoạt động, sinh hoạt trong chi hội để tiếp tục đóng góp cho nền âm nhạc tỉnh nhà", nhạc sĩ Minh Châu chia sẻ thêm.
 
40 năm tạm ngưng với niềm đam mê âm nhạc, sự trở lại của nhạc sĩ Xuân Bình trong một thời gian ngắn đã khẳng định được tài năng và tên tuổi bản thân, tạo được dấu ấn riêng của một người nghệ sĩ. Điều đọng lại hơn cả ở ông là một con người yêu quê hương da diết, một người hết lòng với gia đình, có lối sống mộc mạc, giản dị, rất đỗi khiêm nhường của một nhạc sĩ lớn lên từ nông thôn. Thành công hôm nay của ông một lần nữa  đã khẳng định, nếu đã đam mê chưa bao giờ là muộn. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu 
 

.