Hương ước Quảng Ngãi (*) và vệ sinh phòng dịch

09:06, 27/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Con người dù ở đâu, vào thời nào đều không thể không để ý giữ cho môi trường sống ở chung quanh mình được trong lành, sạch sẽ. Cái đó gọi là “vệ sinh”, nghĩa là “giúp ích cho sự sống”. Mùa dịch tả heo Châu Phi, tiếp theo là mùa dịch Covid 19 khiến cả thế giới phải điên đảo, nhắc cả loài người vệ sinh phòng dịch.
Một tập sách được ấn loát sau khi sưu tầm được hương ước của 8 làng trong tỉnh: Phủ Lễ, Nam An, Diên Niên, Long Phụng, Thi Phổ Nhì, Quýt Lâm, An Chỉ, Diên Trường. Niên đại của hương ước là khoảng năm 1937 - 1938, dưới thời Pháp thuộc và Nam triều bù nhìn Bảo Đại, chưa xa lắm so với ngày nay. Thế nhưng, những gì được ghi trong sách khiến ta phải suy nghĩ, trong đó có vấn đề vệ sinh.
 
Cả 8 hương ước đều có điều khoản quy định về vệ sinh. Hầu hết các hương ước đều đề cập đến đường sá, cầu cống, mương nước, giếng nước công cộng và giếng nước riêng, sông suối, đồng ruộng... nghĩa là cả không gian hẹp lẫn không gian rộng. Các vấn đề được quan tâm là thải súc vật chết, xả rác, tắm giặt, phòng dịch, các chất thải sinh hoạt khác...
 
Súc vật chết và các chất thải khác
 
Hương ước thuộc về “lệ làng”, không phải luật (áp dụng cho cả quốc gia), nhưng về hình thức thể hiện lại giống như luật, hay mượn hình thức của luật để quy định cụ thể ở làng, tức có những thành phần của một điều khoản mà luật học gọi là giả định, quy định, chế tài. Như hương ước làng Phủ Lễ, khoản 32 ghi: “Nhà nào ở gần đường tổng lộ, hương lộ đều phải quét dọn sạch sẽ, không được tốc rác hay đổ những vật uế trên đường (các mương nước cũng thế), người nào có trâu, bò, ngựa, heo, chó chết đem chỗ nào cách nhà người ta ở 1 kilometre mà chôn thật sâu.
 
Còn gà, vịt, mèo, chuột... chết, phải đem đến nơi cách nhà người ta ở 500 metre mà chôn thật sâu, không được đem những súc vật chết, chiếu manh, giẻ rách, giường tre hay các đồ uế khác bỏ ngoài đường, mương nước, sông, suối, hay trên những đám đất ruộng và hai bên các con đường gần nhà người ta ở; nếu không tuân, phạt từ 0$20 đến 1$00, hay phạt dịch từ 1 đến 5 ngày”. Hương ước làng Nam An, làng Diên Trường cũng phần nào có quy định tương tự như vậy.
 
Vệ sinh quanh giếng nước và nguồn nước
 
Cũng hương ước làng Phủ Lễ, khoản 33 ghi: “Các giếng để uống nước phải xây thành hay rào cho cao độ 0m60, chung quanh giếng dẫy dọn cho sạch, cấm không ai được đem những đồ mền chiếu, quần áo giặt nơi bờ giếng và không được tắm để cho sạch sẽ, nếu không tuân sẽ bị phạt như khoản 32 đã định”. Hương ước làng Nam An cũng quy định tương tự.
 
Còn hương ước làng Diên Niên, khoản 33, có quy định hơi khác, không chỉ giếng nước mà còn ở khe suối: “Ai có giếng phải giữ gìn sạch sẽ, thành giếng phải xây đá hay làm khung tre. Cấm không được tắm giặt, phóng uế bốn phía giếng và trẻ con không được đến gần giếng rất nguy hiểm. Còn nước các suối khe, thì cấm từ tháng Giêng đến tháng Tám, không ai được thả vịt và tát cá làm đục nước bò trâu uống sinh bịnh”. Khoản 35 quy định: “Các súc vật chết trôi hay cỏ mục đụn lại nơi các cầu, cống, suối, hói, làm cho nước phiên ngưng thì điền hộ gần đó phải lấy cây dọn đi cho khỏi sinh ô uế, sinh bịnh”. Hương ước làng Diên Niên ngoài 2 khoản trên còn có đến 4 khoản khác quy định về vệ sinh.
 
Phòng dịch bệnh
 
Người xưa cũng rất sợ dịch bệnh. Do vậy mà hương ước các làng trong khi nói đến vệ sinh, tức là đã có ý phòng dịch bệnh. Có hương ước quy định rõ hơn về phòng dịch bệnh, thể hiện rõ qua việc phòng muỗi sinh sôi, khi có dịch ở người và gia súc thì phải xử lý ra sao. Hương ước làng Diên Niên, khoản 34: “Hai bên đường phải đào mương cho nước khỏi đọng sinh muỗi”.
 
Hương ước làng Diên Trường, khoản 4, tiết thứ 5: “Phàm trong làng nhà nào có trâu bò rủi bị bịnh chết thời phải trình với làng xét cho xẻ lấy da và sừng, còn thịt thời phải đào lỗ chôn sâu, xa nơi nhà ở, giếng uống nước; cấm không được ăn thịt và đem bán; nếu người nào bất tuân hương ước phạt bạc 0$60 hoặc phạt dịch 3 ngày”. Điều khoản cấm dùng thịt gia súc chết bệnh được ghi rõ hơn nữa trong hương ước làng Diên Niên. Khoản 36: “Còn nhà nào có súc vật chết, thì nhứt thiết không được xẻ thịt chia phần và cấm bỏ dòng nước, phải lựa chỗ cao ráo xa nước, đào chôn cho sâu và bỏ vôi phòng khỏi truyền nhiễm”. Khoản 37: “Bất kỳ người nào bán thịt thú vật có bịnh như heo gạo... thấy được bắt giữ, báo lý hương khám quả sức chôn thịt và đuổi không cho bán nữa. Còn người nào mua lầm mà không chịu chôn hay tri tình mà không báo lý hương sẽ bị phạt”.
 
Hương ước (cũng như luật) tuy quy định chung, nhưng lại gắn rất chặt với cuộc sống. Những vấn đề không hề phát sinh trong cuộc sống sẽ không được quy định trong hương ước. Cho nên, trong khi có thể khá khen cho người xưa rằng rất chú ý đến vệ sinh và có những quy định cụ thể, thì vẫn phải lần ra cái gốc của vấn đề ở chỗ: Trong cuộc sống thời nay cũng thường đặt ra những vấn đề như vậy, thì hương ước mới phải quy định những điều khoản như vậy. Mà không chỉ ở thời này, những vấn đề đó cũng đã phát sinh từ rất lâu trước đó, cho nên phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX mang tên Duy Tân (đổi mới) cũng đề ra vấn đề cải biến hương tục.
 
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng lại đề ra “đời sống mới” trong đó chú trọng đến vấn đề vệ sinh. Từ đó đến nay đã 75 năm, nếp sống văn minh trong xã hội ta đã có những chuyển biến rất căn bản, đáng kể. Tuy vậy, trong nhiều năm trở lại đây, chừng như những vấn đề được đề cập trong các hương ước xưa lại “tái sinh”. Chẳng hạn vấn đề vứt xác súc vật và chất thải bừa bãi ở nơi công cộng, ở dọc đường, trên mương máng, vấn đề lén lút dùng thịt súc vật chết vì dịch bệnh đem bán trong cộng đồng...
 
Bên cạnh những chất thải công nghiệp mới phát sinh, thì những vấn đề cũ mà mới như trên đã gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan khá nghiêm trọng. Đó là chưa kể, những cảnh tượng ấy sẽ gây ra tác động không tốt về hình ảnh của quê hương, đất nước ta, của người Việt ta trong con mắt của người nước ngoài. Trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, hằng năm có rất nhiều thôn, khối phố được nhận danh hiệu văn hoá, nhưng những vấn đề như trên vẫn nảy sinh, vẫn gây nhức nhối trong cuộc sống ở nhiều nơi, đặc biệt ở các trục lộ giao thông, kênh mương thuỷ lợi, ở các thị trấn, thị tứ, các bãi biển. Nếp sinh hoạt bừa bãi, cẩu thả, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng là một lề thói chưa dễ bỏ trong số không ít người.
 
 Cao Văn Chư
---------
(*) Hương ước Quảng Ngãi, Sở VHTT Quảng Ngãi xuất bản, 1996.
 

.