Đối thoại với tương lai

03:06, 21/06/2020
.
Thanh Thảo
 
(Baoquangngai.vn)- “Đối thoại với nhớ quên” có thể coi là một kịch bản điện ảnh, lại có thể coi là một kịch bản sân khấu và cuối cùng, nó là một dạng tiểu thuyết hòa trộn thể loại. Nguyễn Thế Kỷ đã 89 tuổi, ông viết tác phẩm này từ hơn 30 năm trước, nhưng bây giờ đọc bản thảo, tôi có cảm giác cách viết này vẫn còn khá mới mẻ, ít nhất là với Việt Nam. 
Nhà thơ-nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
Nhà thơ-nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
Không chỉ là hòa trộn thể loại, những nhân vật trong tiểu thuyết này còn hòa trộn cả nhớ, quên, hòa trộn cả ý thức và vô thức, hòa trộn cả quá khứ và hiện tại, và cuối cùng, sự hòa trộn ấy làm bật lên những phẩm chất người của những người cách mạng. Đây là chuyện hư cấu, nhưng trong thực tế cuộc chiến tranh Việt Nam, những chuyện này xảy ra không phải hiếm. 
 
Những người cộng sản, dù họ là bác sĩ như cô Hồng Cúc, là chiến sĩ như anh Thanh Mai chồng cô Hồng Cúc, là bác sĩ Bình người cùng đơn vị quân y với Hồng Cúc và sau này là người yêu Hồng Cúc… tất cả những con người bình dị ấy đã sống với một tình yêu con người thật cao cả, không phân biệt, kể cả phân biệt đối phương hay kẻ thù. Vì với người bác sĩ, cứu mạng sống con người là tiêu chí phải đặt lên hàng đầu. 
 
Nguyễn Thế Kỷ đã chọn một góc nhỏ có thể giải quyết vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc-đó là góc những người bác sĩ trên chiến trường và ở những ngày đầu giải phóng Sài Gòn. 
 
Giống như bác sĩ Đặng Thùy Trâm hết mình vì thương binh và đã anh dũng hy sinh để bảo vệ thương binh, rồi chính những lính Mỹ đã tham chiến trực tiếp trong vụ sát hại bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã giữ gìn, bảo vệ tập nhật ký của Đặng Thùy Trâm sau này nối tiếng khắp thế giới. Trong chiến tranh có bao nhiêu chuyện khó tin đã xảy ra, và nếu nó còn được người đời sau, người hôm nay nhớ tới, vì nó đã thấm đẫm tình người, thấm đẫm tính nhân văn, thấm đẫm lý tưởng của những người đi chiến đấu vì lý tưởng, vì sự sống của con người. 
 
Tôi rất khâm phục sức viết rất dài hơi của nhà thơ-nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Nhưng đọc “Đối thoại với nhớ quên”, dù tư tưởng vẫn rạch ròi, nhưng cách viết thì có phần biến ảo khiến tôi ngạc nhiên. Xem cách đối thoại của các nhân vật thì có thể nghĩ đây là kịch bản điện ảnh hoặc sân khấu, nhưng cách dẫn dắt câu chuyện lại của tiểu thuyết. Nếu có thì giờ, tác giả chỉnh sửa thêm thì chắc chắn câu chuyện sẽ trọn vẹn hơn. 
 
Đây là  câu chuyện về tình yêu thương vượt lên trên hận thù, về lòng nhân ái chiến thắng bạo tàn, về sự khoan dung đầy thuyết phục khiến đối phương tâm phục khẩu phục. Nó khiến cuộc chiến đấu vì chính nghĩacó độ sâu thẳm của tình người, điều mà văn học phản ánh bao giờ cũng thiếu.
 
“Đối thoại với nhớ quên” là đối thoại với thời gian, đối thoại với ký ức, đối thoại với người còn sống và người đã khuất, những cuộc đối thoại có thể là triền miên, như cách nhiều nhà văn phương tây đã áp dụng cho tiểu thuyết của họ. 
 
Nhưng với Nguyễn Thế Kỷ, ông đã chắt lọc để những đối thoại trở nên sắc nét, ngắn gọn, không thừa mà cũng không thiếu. Đó là bản lĩnh của người quen viết kịch bản. Những nhân vật chính diện của tác giả thuyết phục người đọc bằng chính những phẩm chất nội tại của họ, bằng tình yêu thương con người của họ, điều mà không phải ai cũng làm được, nhất là trong một cuộc chiến tranh phân tuyến rõ ràng như cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vì cái còn lại, không phải hận thù, mà là tình yêu thương. Văn học không bao giờ kích động hận thù, văn học luôn nêu cao tình người, tình dân tộc, cả tình nhân loại.
 
Chúng ta đã sống  trong hòa bình 45 năm nay, nhưng chiến tranh chưa bao giờ ra khỏi những ai đã từng tham gia vào nó.
 
Đọc “Đối thoại với nhớ quên” của Nguyễn Thế Kỷ, tôi lại có cảm giác không phải tác giả muốn cuộc đối thoại ấy chỉ diễn ra giữa những người đã tham gia chiến tranh từ hai phía, mà còn muốn đối thoại với thế hệ trẻ, những người còn trẻ con vào năm 1975, những người sinh sau năm 75 và đang ở độ tuổi thanh xuân hiện nay.
 
Đó là “Đối thoại với tương lai”, là cuộc chuyện trò không dứt giữa hai thế hệ, giữa những người đã tham gia chiến tranh với những người sinh ra và sống trong hòa bình. Những đối thoại ấy hẳn là rất thú vị, vì giữa họ đã có khoảng cách mấy chục năm chiến tranh và mấy chục năm hòa bình. Hai thế hệ ấy khác nhau rất nhiều, nhưng họ có thể tìm thấy nhau ở tình yêu. Vì tình yêu thì gần như vĩnh cửu, thế hệ nào cũng có tình yêu, cũng có những lỗi lầm và cũng đầy hạnh phúc. Người Việt cũng vậy, mà người Mỹ cũng vậy. 
 
Ngay bác Nguyễn Thế Kỷ và tôi cũng đã là hai thế hệ, một người tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, còn một người tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng chúng tôi giống nhau ở những khao khát tình yêu và hòa bình. Chúng tôi giống nhau ở chỗ có thể gặp gỡ với đối phương-những kẻ thù hôm qua-với sự chính trực và tình hữu nghị của những người đã thấu hiểu chiến tranh gây khốn khổ và bất nhẫn đến mức nào.
 
Người Việt có thể thù sâu nhớ dai, nhưng cũng có thể bỏ qua hận thù vì đại nghĩa dân tộc. Điều này, chính kẻ thù cũ là người Mỹ cũng đã biết.
 
Chiến tranh đi qua đã lâu, nhưng những bài học từ chiến tranh thì còn lại. Nguyễn Thế Kỷ giúp chúng ta nhìn lại cuộc chiến ấy từ những góc khuất có thể cũng đầy bi kịch và tuyệt vọng, nếu chính những người tham gia chiến tranh không biết hóa  giải nó. Những nhân vật chính diện của tác giả đã làm được điều vô cùng khó khăn ấy, để vươn tới một cuộc sống đầy tình yêu thương và hạnh phúc. 
            
Trong những ngày nóng nhất ở miền Trung,
tháng 6 năm 2020
                                                       
T.T
 
 
 

.