Xa rồi phèng la, mõ gỗ, trống chầu...

10:05, 17/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mấy mươi năm rồi, tiếng phèng la, mõ gỗ, trống chầu đã không còn vang lên ở làng Thi Phổ, Thuận Yên, xóm Bầu như trong câu ca dao “Phèng la xóm Bầu. Trống chầu Thi Phổ. Mõ gỗ Thuận Yên”. Dẫu vậy, trong ký ức người làng Thi Phổ, Thuận Yên, xóm Bầu (nay thuộc huyện Mộ Đức), tiếng trống, tiếng phèng la giục người làng đi đắp đập, vét mương; tiếng mõ gỗ xua đuổi hùm beo khi chúng xuống làng vẫn còn rõ mồn một, như mới vừa hôm qua.
 
Một thời giục giã trống chầu
 
Các bậc cao niên của làng Thi Phổ Nhất (xã Đức Tân ngày nay) kể rằng, cách đây chừng 6 thập kỷ, nguồn nước phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người làng ngày ấy đều phụ thuộc vào sự điều tiết của đập Phước Khánh- một đập nước cắt dòng sông Cầu Đập (một nhánh của sông Thoa) để dẫn thủy nhập điền. 
Dinh Phước Khánh - nơi người làng Thi Phổ Nhất ngày xưa (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức ngày nay) lựa chọn đặt trống chầu.
Dinh Phước Khánh - nơi người làng Thi Phổ Nhất ngày xưa (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức ngày nay) lựa chọn đặt trống chầu.
Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nghề trồng lúa nước tại địa phương, nên người làng Thi Phổ Nhất khi ấy đã đồng lòng đóng góp tiền làm trống chầu rồi đặt tại dinh Phước Khánh, ngay cạnh đập Phước Khánh làm phương tiện truyền tin.
 
“Trống chầu là loại trống to gấp đôi trống thường. Mặt trống được làm từ nguyên bộ da của con trâu cái lớn, vì thế khi đánh trống, tiếng trống to và vang xa đến nỗi, đứng cách đó 3 - 4 cây số, vẫn nghe thấy được. Thời xưa không có loa phát thanh, cũng chẳng có điện thoại, nên trống chầu là phương tiện chính để truyền tin, triệu tập dân làng”, cụ Nguyễn Nhơn (93 tuổi), ở thôn 1, xã Đức Tân kể lại.
 
Dõi theo tình trạng của đập Phước Khánh, hằng năm, người làng Thi Phổ Nhất đều cử ra một người gọi là Chánh đề, đảm nhận nhiệm vụ trông coi con đập, để khi đập nước xảy ra các sự cố như lún sụt, xói lở... thì vị Chánh đề ấy sẽ nhanh chóng gõ trống chầu triệu tập dân làng. “Hễ nghe tiếng trống, là người làng tự hiểu rằng, đập Phước Khánh đã gặp sự cố. Mọi người không ai bảo ai, tất cả đều vội vàng chạy đi cứu đập. Người gánh đất, chặt tre; người lặn xuống thân đập đắp đất, đóng cọc... Cứ thế, mấy trăm con người cùng nhau đoàn kết, đồng lòng mà cứu đập”, cụ Nhơn bồi hồi kể.
 
Phèng la, đến hẹn chẳng còn... vang
 
Bồi hồi nhớ lại tên làng ngày trước, ông Nguyễn Thạnh (76 tuổi), sống tại thôn Phước Toàn (Đức Hòa) kể rằng: “Thôn Phước Toàn ngày trước có tên là xóm Bầu. Xóm Bầu nằm ngay cạnh sông Cầu Đập, nên mùa mưa lũ năm nào, nơi đây cũng chìm trong nước lũ, cơ cực đủ điều”.
 
Người làng Xóm Bầu ngày ấy xem con mương Bà Hệ là mạch nguồn no ấm của cả làng. Bởi con mương này đảm nhận nhiệm vụ dẫn nước từ đập Hùng, xã Đức Hiệp về tưới mát ruộng đồng. Thế nhưng, vào mùa mưa lũ, do xóm Bầu có địa hình khá trũng thấp, thường xuyên bị nước sông Cầu Đập tràn qua gây lũ lụt, nên con mương Bà Hệ thường bị bồi lấp. Thành thử sau lũ, dân làng phải dùng tiếng phèng la - một loại nhạc cụ cổ bằng kim loại, có thanh âm vang xa tương tự như tiếng kẻng báo hiệu, để người làng cùng tề tựu, vét mương. Câu ca dao “Phèng la xóm Bầu” cũng từ đấy mà ra. 
 
Từng là thanh âm đến hẹn lại vang lên sau mỗi mùa mưa lũ; nhưng theo chia sẻ của người làng Phước Toàn, từ những năm 1980 trở về sau, tiếng phèng la chính thức đi vào dĩ vãng. “Cuộc sống ngày càng đổi thay theo hướng hiện đại hơn. Sau này, người làng mỗi khi cần tập trung người vét mương, thì sẽ nhờ các xóm trưởng thông báo thời gian cụ thể đến từng hộ gia đình hoặc sẽ thông báo bằng loa, chứ không còn cầm phèng la đi gõ như trước. Tiếng phèng la vì vậy đã thôi ngân nga”, lão nông Trần Hưng, người làng Phước Toàn, ngậm ngùi.
 
Ngõ lũy không còn, mõ gỗ cũng lặng im
 
Tên là Thuận Yên, nhưng do nằm ở vị trí hẻo lánh, giáp với núi đồi trùng điệp, nên người dân ở ngôi làng nằm ở thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức) từng phải sống trong những tháng ngày nơm nớp, lo sợ trước sự rình rập của nhiều loài dã thú.
 
Những bậc cao niên ở Thuận Yên kể lại rằng, ngày xưa, núi Giàng nằm ngay sau lưng làng còn hoang vu, cây cối mọc um tùm, do đó các loài thú dữ như cọp, báo, heo rừng... nhiều vô kể. Mỗi khi đói mồi, các “ông cọp” vẫn thường mò về làng kiếm ăn. Những địa danh như: Hồ Bạch Điểu, gò Quen, gò Ông Rồng, động Lá, suối Rong... cạnh làng đều là những nơi khi xưa thú dữ vẫn thường xuyên ẩn nấp, rình rập để bắt gia súc, thậm chí vồ người.
 
“Để hạn chế phần nào việc thú dữ ngang nhiên tràn xuống làng, người làng tôi khi ấy đã rủ nhau xây dựng bờ lũy bằng đất cao hơn đầu người, rồi trồng tre bịt bùng xung quanh tại cửa ngõ vào làng gọi là ngõ lũy. Sau đó còn thống nhất dùng tiếng mõ làm âm thanh báo động mỗi khi phát hiện thú dữ để người làng biết mà đối phó. Cái câu “mõ gỗ Thuận Yên” là từ đó mà ra”, cụ ông Năm Biền (83 tuổi), ở làng Thuận Yên, nhớ lại.
 
Là vùng đất cận sơn nhiều thú dữ rình rập, nhưng vì đất đai màu mỡ, thuận lợi cho canh tác nên người dân kéo về Thuận Yên sinh sống mỗi ngày một đông đúc. Người dần đông, làng xóm mọc lên nhiều, thú dữ dần dà cũng không còn dám “ngang nhiên” tìm về làng như trước. Theo trí nhớ của người làng, đến năm 1980, ngõ lũy mà mọi người từng dựng nên để ngăn thú dữ, chính thức bị đập bỏ vì không còn cần thiết nữa. Rồi từ đó trở về sau, người làng Thuận Yên cũng không cần đến gõ mõ để báo động cho nhau.
 
Hiện tại, tên làng Thuận Yên cũng đã được đổi thành Thuận Long. Ngõ lũy năm nào giờ cũng trở thành ngã tư sầm uất, tấp nập hàng quán. Dẫu vậy, mọi người vẫn thường truyền kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc “chạm trán” giữa người làng và cọp beo ở gò Ông Rồng, về bầy heo rừng hung hãn thường tràn xuống bìa rừng phá hoại rẫy mì của dân và lấy đó để nhắc nhớ nhau quý trọng cuộc sống ấm no, bình yên của hôm nay.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 

.