Lê Sinh Dân, nhà viết kịch đa tài

09:05, 26/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà viết kịch Lê Sinh Dân, quê xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) là “viên ngọc quý” trong lĩnh vực sân khấu kịch ở Quảng Ngãi. Đã gặt hái nhiều giải thưởng lớn trong tỉnh, toàn quốc và dù đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn hăng say lao động, cần mẫn, chắt chiu từng câu chữ để tiếp tục cho ra đời những kịch bản sân khấu giàu tính nghệ thuật, thể hiện khát vọng, tâm tư của người dân, những vấn đề thời sự nóng bỏng...
"Quả ngọt" từ đam mê  
 
Khiêm tốn và hào sảng với chất giọng Quảng Ngãi đặc trưng, nhưng cũng đầy thân thiện, cởi mở, đậm chất lãng tử của người nghệ sĩ là ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với nghệ sĩ Lê Sinh Dân. Sinh ra ở vùng quê Nghĩa Hành, bên dòng sông Vệ thơ mộng, ông được thừa hưởng từ tài năng văn nghệ của người cha là Lê Sinh Quân - Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Phước Giang Nghĩa Hành, diễn viên hát bộ của Quân khu 5. Chính vì vậy, từ thời niên thiếu, ông đã sớm được bồi đắp tâm hồn yêu thơ văn, nghệ thuật. 
 
Nhà viết kịch Lê Sinh Dân luôn đau đáu về đề tài cuộc sống, đến nay anh đã có cả trăm vở kịch sân khấu được công diễn.
Nhà viết kịch Lê Sinh Dân luôn đau đáu về đề tài cuộc sống, đến nay anh đã có cả trăm vở kịch sân khấu được công diễn.
Trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng địa phương, ông đa năng ở nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết văn, ca hát, sáng tác nhạc, nhưng có lẽ thành công hơn cả là lĩnh vực sân khấu. Ông từng đạt giải diễn viên xuất sắc, nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại các kỳ hội diễn sân khấu kịch nói không chuyên toàn quốc. Sau đó, ông gắn bó sân khấu với vai trò mới là viết kịch. Tác phẩm đầu tay “Lựa chọn” được ông viết vào năm 1986 đã gây được tiếng vang, đoạt giải Nhất cấp tỉnh lúc bấy giờ. Đó là tác phẩm truyền tải thông điệp về công cuộc tuyên truyền, vận động, sự đồng lòng, đồng sức của người dân để chuẩn bị khởi công công trình thủy nông Thạch Nham lịch sử của tỉnh.
 
Từ thành công ấy, như mạch nguồn tuôn chảy, ông liên tục sáng tác nhiều kịch bản viết về nhiều ngành nghề, lĩnh vực, với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu như: “Chuyện làng chài” (đoạt giải Ba - Hội diễn Bộ đội Biên phòng toàn quốc năm 2001); “Đi tìm hạnh phúc” (đoạt giải xuất sắc hội diễn khu vực). Nhiều đề tài về vũ trang đạt giải cao, như “Tháng Tám mùa thu” (giải Nhất Quân khu 5), “Cái nhìn của thượng đế” (giải Nhì hội diễn khu vực phía Nam), “Bóng tối” (giải vàng toàn quốc của ngành công an)... 
“So với các loại hình nghệ thuật, "họ nhà kịch có lẽ ít anh em nhất"! Quảng Ngãi cũng vậy, đếm không hết mấy đầu ngón tay. Lê Sinh Dân ở trong số rất hiếm ấy. Riêng ở tỉnh nhà, anh là người số một, viết đều đặn nhất và được nhiều giải nhất, nghĩa là đã diễn là được nhận giải”.
 
Nhà văn NGUYỄN TRUNG HIẾU
Tuôn chảy mạch nguồn sáng tác 
 
Nhà viết kịch Lê Sinh Dân chia sẻ: "Nhiều lĩnh vực ngành nghề, đòi hỏi người viết kịch phải chắt lọc thông tin, nghiên cứu và am hiểu để tác phẩm vừa mang tính gần gũi, vừa thể hiện được thông điệp tuyên truyền đi vào lòng người". 
 
Trong số các tác phẩm của ông, có kịch bản "Kỷ niệm Trường Sơn" phỏng theo truyện ngắn "Kiên" của tác giả Nguyễn Ngọc Trạch. Riêng “Trận đánh cuối cùng”- giải A Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phạm Văn Đồng lần thứ I, được phát sóng đúng vào dịp tỉnh ta kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. 
 
"Trận đánh cuối cùng” là tác phẩm được tác giả thai nghén trong thời gian gần 1 tuần, nhưng để ra đời tác phẩm này, ông Dân đã bỏ công mày mò, nghiên cứu tài liệu lịch sử để xây dựng kịch bản thể hiện được bản anh hùng ca về tinh thần đấu tranh bất khuất, sự đồng lòng của quân và dân Quảng Ngãi không tiếc máu xương dồn sức cho trận đánh mang tính quyết định giải phóng quê hương. “Đây là tác phẩm tôi vừa viết kịch bản, tham gia đạo diễn và diễn viên. Rất may mắn là tác phẩm thành công ngoài mong đợi”, nghệ sĩ Lê Sinh Dân bộc bạch. 
 
Dù đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Ông Dân cho biết: “Tôi sẽ luôn dành tâm huyết, trí lực để viết và viết đến khi nào sức khỏe không cho phép, để tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực kịch sân khấu”. Với vai trò hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trăn trở về hướng phát triển lĩnh vực sân khấu ở Quảng Ngãi, ông Dân luôn tâm nguyện tiếp tục góp sức để đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để đội ngũ kế cận nối tiếp thành công của thế hệ đàn anh đi trước, để lĩnh vực kịch sân khấu quê nhà ngày càng tạo tiếng vang xa hơn.
 
         Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 
 

.