Làng nghề, nơi bảo tồn giá trị văn hoá

10:05, 03/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi được biết đến là mảnh đất giàu di sản văn hoá. Trong đó dấu ấn văn hóa làng hiện hữu ở các vùng quê vốn được lưu giữ từ rất lâu đời, gắn liền với cuộc sống lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân. 
Ký ức làng nghề
 
Thời hưng thịnh, nghề dệt chiếu ở xã Nghĩa Hoà (Tư Nghĩa) đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình. Ngày ấy, nhà nhà, người người đều làm chiếu. Tuy nhiên, theo lời người dân, nguồn nguyên liệu ngày càng bị hạn chế nên chi phí để làm một chiếc chiếu truyền thống tăng lên, trong khi giá bán lại quá thấp, bởi thế mặt hàng chiếu truyền thống không còn đủ sức cạnh tranh với các loại chiếu ngoại. Do đó, nhiều người bỏ nghề dệt chiếu chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi, hay đi nhiều nơi mưu sinh... 
 
Nghề làm bánh tráng ở thôn Phú Châu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành).
Nghề làm bánh tráng ở thôn Phú Châu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành).
 
Bà Nguyễn Thị Xuân (88 tuổi) ở thôn Hoà Tân, xã Nghĩa Hòa bảo rằng: Nghề chiếu cói đã trở thành một giá trị văn hoá. Đã có biết bao thế hệ sinh ra nằm trên chiếc chiếu cói, mùi chiếu thơm trong chiếc nôi tre cùng câu hát à ơi của bà, của mẹ, dần dà đi vào tiềm thức của bao đứa trẻ, để khi lớn lên, dù đi xa đến đâu cũng nhớ mãi tình cảm đó. Biết bao chàng trai, cô gái cũng mượn chiếc chiếu cói gần gũi mà gửi lời yêu thương: “Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn/ Công em rày mưa nắng gió sương/ Chiếu này gởi khắp tứ phương/ Gởi người quân tử trải giường nghỉ ngơi”...
 
Sản phẩm thủ công từ các làng nghề thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hoá của mỗi vùng đất. Ngày trước đến xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) sẽ thấy nhà nào cũng phơi nón đầy sân. Các cô, các chị mang khung nón đến sân nhà ai đó rộng rãi để vừa thoăn thoắt mũi chỉ đường kim, vừa hò hát với trai làng. Nón từ chợ Đình qua bàn tay dân buôn mang đi bán khắp nơi, từ chợ quê lên chợ tỉnh. Ngày nay, dù làng nghề nón chợ Đình mai một, nhưng người dân Tịnh Bình luôn nhớ nghề truyền thống của cha ông qua những câu ca dao: “Ai về nhắn với chợ Đình/ Ai chằm nón lá tận tình đôi ta/ Để cho duyên thắm mặn mà/ Cau buồng, trầu liễn Sơn Hà, Minh Long...”.    
 
Ở các làng nghề, hình thức sinh hoạt cộng đồng khá phổ biến, qua đó tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa người dân không chỉ trong một làng, mà còn cả một xã, một huyện, một vùng... Lối sống tốt đẹp đó cho đến nay vẫn được những người nông dân mộc mạc trân trọng, gìn giữ.
 
Phong phú nghề truyền thống
 
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, nghề làm bánh tráng ở thôn Phú Châu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) mang lại thu nhập tương đối khá cho nhiều hộ gia đình trong thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chị Cao Thị Tuyết Nhung làm nghề bánh tráng gần 20 năm cho hay: Bánh tráng Phú Châu được tráng bằng bột gạo. Bánh phải dày và được tráng hai lớp, bên trên là một lớp mè nổi giữa lớp bột gạo, kèm thêm những phụ gia để có một hương vị đậm đà. Còn làm bánh tráng mỏng đòi hỏi người thợ phải là những người rất khéo, tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng đều và khi lấy bánh sẽ không bị nát.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải cho biết: Nghề làm bánh tráng trên địa bàn xã có từ khá lâu. Trải qua nhiều thế hệ, những cơ sở làm bánh thủ công vẫn sống được với nghề bánh tráng, nhất là trong những ngày Tết.
 
Đối với cư dân vùng biển, nhiều người gắn bó với nghề làm nước mắm... Trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm nghề truyền thống được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường như chổi đót, đồ mộc, đường phèn, đồ gốm... Đặc trưng của làng nghề đã hình thành, hun đúc và tô điểm cho văn hoá, bản sắc riêng của xứ Quảng.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.